Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 27
Lượt truy cập : 7625394
Xuất khẩu gạo khởi sắc đền đầu năm 2016 (21/10/2015)

Việc xuất khẩu gạo cho đến giữa tháng 9-2015 vẫn trầm lắng, trì trệ, nhưng khi sang đầu tháng 10, tình hình có những dấu hiệu khả quan. Báo SGGP đã trao đổi với ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), chung quanh tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

- PV: Thưa ông, TPP là câu chuyện thời sự hiện nay, với ngành lúa gạo sẽ có những tác động như thế nào trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu?
 

>> Ông HUỲNH THẾ NĂNG: Vì chưa công bố kết quả đàm phán nên cũng chỉ dự báo, TPP sẽ tạo điều kiện giúp mở rộng thị trường gạo Việt Nam với việc cắt giảm thuế quan và xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan. Tuy nhiên, hầu hết các thị trường TPP yêu cầu gạo chất lượng cao và quy định tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ, nếu không tổ chức lại sản xuất thích hợp sẽ khó đáp ứng nhu cầu các thị trường này. VFA cùng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chuẩn bị các điều kiện để thâm nhập và mở rộng thị trường khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), sẽ là môi trường cạnh tranh gạo gay gắt, vì các nước xuất nhập khẩu lớn đều trong cộng đồng này. Vấn đề là các nước xuất khẩu gạo Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia đều muốn tự do hóa để thúc đẩy xuất khẩu, nhưng các nước nhập khẩu Philippines, Indonesia, Malaysia muốn duy trì thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước. VFA đã họp bàn với phía đối tác Thái Lan để phối hợp đánh giá tình hình sau khi AEC được hình thành.
 


Thu hoạch lúa xuất khẩu tại tỉnh Long An. Ảnh CAO MINH

 

- Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo đã trên 20 năm và thương hiệu gạo là vấn đề đặt ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chỉ có tên gọi chung chung như gạo trắng, hạt dài 5%, 10%, 25% cám... Đây có phải là tình trạng “ngủ quên” do chạy theo số lượng thay vì chất lượng hạt gạo?
 

Vấn đề không phải “ngủ quên” mà do từ đặc điểm và tập quán canh tác. Trước năm 1989, cả nước thiếu gạo, phải nhập khẩu nên mọi nỗ lực đều nhắm vào thâm canh, tăng vụ, với các giống lúa ngắn ngày, có thể trồng 2-3 vụ/năm, năng suất cao, chất lượng thấp. Trong khi các giống lúa chất lượng cao của Thái Lan là loại dài ngày, đã được xây dựng lâu đời và mỗi năm chỉ trồng một vụ. Trong điều kiện sản xuất phân tán, nếu Việt Nam chọn giống chất lượng cao trồng một vụ để xây dựng thương hiệu thì làm sao giải quyết được sinh kế cho nông dân. Do đó việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo là con đường dài, dù biết không đi sẽ không đến. VFA đang tham gia thực hiện chuỗi liên kết, tăng hiệu quả trong chuỗi giá trị trên cơ sở giảm giá thành, nâng cao chất lượng, tăng cường cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
 

- Được biết, VFA sẽ xây dựng thương hiệu gạo thơm Jasmine Việt Nam. Nhưng không ít chuyên gia cho rằng, không thể cạnh tranh với gạo thơm của Thái Lan?
 

Việc chọn giống Jasmine để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, ngoài yếu tố phân khúc còn có giá cả cạnh tranh. Đây là giống thơm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với gạo thơm Thái Lan. Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu hơn 30.000 tấn gạo thơm và tấm thơm, đến năm 2014 tăng lên 1,3 triệu tấn. Tương tự, năm 2009, Thái Lan xuất khẩu trên 2,7 triệu tấn gạo và tấm thơm, đến năm 2014 chỉ còn 1,8 triệu tấn. Sự sụt giảm này là do mất thị phần vào gạo thơm Việt Nam. Thời gian qua, Jasmine Việt Nam còn bù vào phần lớn lượng sụt giảm mạnh mẽ gạo trắng ở thị trường châu Phi do cạnh tranh gạo Thái Lan và Ấn Độ (gần như mất trắng) và bổ sung vào các thị trường gạo cao cấp ở Trung Quốc (kể cả Hồng Kông), Singapore, Malaysia. Giống Jasmine Việt Nam phù hợp với thổ nhưỡng và thời vụ sản xuất của nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khó có thể tìm một giống gạo thơm, trồng ngắn ngày, năng suất cao như giống Jasmine hiện nay. Nhìn chung, thị trường quyết định sản xuất. VFA  đang phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL phục tráng lại giống Jasmine thuần chủng và nhân rộng để tiến đến xây dựng thương hiệu gạo thơm Jasmine Việt Nam. Việc xây dựng thương hiệu gạo dựa trên 2 yếu tố cơ bản: Chất lượng ổn định và dung lượng thương mại, đáp ứng yêu cầu thường xuyên của thị trường. Các giống có chất lượng cao như Nàng Thơm chợ Đào, Tám thơm… sản lượng nhỏ, không thể xây dựng thương hiệu.
 

- Đến thời điểm này, có thể nói gì về xuất khẩu gạo năm 2015 và nhận định thị trường xuất khẩu những tháng đầu năm 2016 như thế nào, thưa ông?
 

Có thể nói thị trường xuất khẩu gạo năm 2015 chia hai giai đoạn, từ giữa tháng 9 về trước thì trầm lắng. Ngay cả khi Vinafood 2 đã trúng thầu cung ứng 450.000 tấn trong tổng số 700.000 tấn cho Philippines nhưng giá lúa, gạo trong nước những ngày qua mới tăng lên, điều này cho thấy dấu hiệu thị trường có sự khởi sắc hơn khi các doanh nghiệp sẽ còn bán thêm 1 triệu tấn gạo cho thị trường khác. Đó là lý do chính làm giá lúa nhích lên. Như vậy, sang quý 4, thị trường gạo bắt đầu khởi sắc và có phần sôi động, từ nay cho tới những tháng đầu năm 2016 có thể nói là lạc quan. 
 

- Khi vừa nhậm chức Tổng Giám đốc Vinafood 2 (tháng 4-2014), trả lời Báo SGGP, ông cho biết sẽ rà soát và tái cơ cấu lại tổ chức, kinh doanh và tài chính tổng công ty, định ra cơ chế kiểm tra và thu hồi công nợ... Sau hơn một năm triển khai, đến nay đã có những chuyển động gì?
 

Mặc dù kết quả đạt được chưa không như kỳ vọng, song đã chặn đà phát sinh lỗ, khả năng thanh khoản tăng, các chỉ số tài chính từng bước thoát khỏi mức tiệm cận dấu hiệu mất an toàn. Đến cuối năm 2015, Công ty mẹ có khả năng cắt được lỗ và tình hình tài chính có sự cải thiện đáng kể; đã thu hồi 104,4 tỷ đồng, đạt 14,8%  tổng số nợ. ​Về thoái vốn đầu tư ngoài doanh nghiệp: đã thoái vốn được 12/24 đơn vị, ​đến cuối năm thoái tiếp 8, nâng tổng số đơn vị thoái vốn xong lên 20/24, với số tiền đầu tư 335,8 tỷ đồng, đạt 66,9% tổng số vốn cần thoái. Về thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinafood 2: ​Tổng công ty đang đẩy nhanh xác định giá trị doanh nghiệp. Dự kiến cuối năm nay công bố giá trị doanh nghiệp, tháng 3-2016 phê duyệt phương án cổ phần hóa, tháng 4-2016 tổ chức bán cổ phần lần đầu, tháng 7-2016, Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và đăng ký doanh nghiệp.
 

- Xin cảm ơn ông!

Theo http://www.sggp.org.vn

 

 

 

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN