Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp
(12/08/2022)
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, diễn ra chiều 27/6.
Ông Lương Văn Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, công tác thủy lợi tuy không chịu tác động lớn của khí hậu thời tiết như những năm trước, tuy nhiên tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, tình trạng hạ thấp mực nước ở hạ du hệ thống sông Hồng - Thái Bình ảnh hưởng rất lớn đến điều tiết xả nước phục vụ sản xuất, dân sinh; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), xâm nhập mặn cũng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong thời gian tới, mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước là quan trọng số 1. Ảnh: Minh Phúc.
Đồng thời, ở Đồng bằng Bắc bộ, các tỉnh miền Trung đã có những đợt mưa lớn gây ngập lụt, úng do mưa lớn trong vụ mùa. Trong vụ đông xuân 2021 - 2022, Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện 3 đợt xả nước từ các hồ chứa thủy điện trong 16 ngày, đảm bảo cấp nước cho 506.558 ha lúa tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ.
Tổng lượng nước điều tiết xả cả 3 đợt là là 4,24 tỷ m3. So với các năm gần đây, tổng lượng xả thấp hơn 0,90 tỷ m3 so với năm 2021, cao hơn 1,56 tỷ m3 so với năm 2020 (năm có mưa lớn vào tết Nguyên đán), thấp hơn 0,18 tỷ m3 so với năm 2019 và thấp hơn 1,5 tỷ m3 so với năm 2018.
Tại khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Tổng cục thường xuyên có thông tin tới các địa phương khu vực cảnh báo tình hình hạn hán, thiếu nước để có phương án canh tác phù hợp với tình hình thời tiết.
Trong đó, các khu vực nguồn nước chắc chắn không đủ phải giãn, dừng sản xuất, khu vực nguồn nước thiếu hụt phải chuyển đổi sang loại cây trồng cần ít nước tưới hơn; xem xét xuống giống sớm để tận dụng lượng nước còn lại của vụ đông xuân, đồng thời tránh thời điểm hạn hán, thiếu nước vào cuối mùa khô và nguy cơ ngập lụt, úng cuối mùa nếu xảy ra mưa sớm.
Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng cục thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước; tổ chức dự báo sớm, cập nhật thường xuyên, liên tục tình hình xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước khu vực ĐBSCL, cung cấp bản tin, tin nhắn thường xuyên đến lãnh đạo Bộ và địa phương.
Giao tài sản công trình Cửa Đạt, Tả Trạch cho các doanh nghiệp
Ông Lương Văn Anh cũng cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, Tổng cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi là công trình Cửa Đạt, Tả Trạch cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ; tổ chức triển khai các chính sách thẩm định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi...
Tính đến tháng 5/2022, đã có 34/63 tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.
Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giúp kiểm soát tốt nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng cục tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra hiện trạng một số đập, hồ chứa nước và làm việc về công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tại một số địa phương; báo cáo Bộ công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Lạng Sơn, Kon Tum, Gia Lai...
Năm 2022, Tổng cục Thủy lợi được giao quản lý 26 dự án (7 dự án chuyển tiếp và 19 dự án chuẩn bị đầu tư), với tổng số vốn hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% tổng số vốn của Bộ, đến 30/6/2021 dự kiến giải ngân đạt hơn 20%.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN-PTNT giao cho Tổng cục Thủy lợi làm đầu mối giải ngân gần 9.700 tỷ nguồn vốn đầu tư công trung hạn. “Chúng tôi hứa sẽ thực hiện giải ngân tốt. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng công trình, hiệu quả công trình, phấn đấu đến cuối năm nay có một số công trình được nghiệm thu".
Xử lý hàng loạt vi phạm công trình thủy lợi
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, xử lý đối với hoạt động xây dựng nhà máy điện mặt trời Tân Châu trong phạm vi bảo vệ hồ Dầu Tiếng tại tỉnh Tây Ninh từ ngày 19/01/2022; phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) - Bộ Công an thành lập 3 đoàn kiểm tra đột xuất về xả nước thải vào công trình thủy lợi tại tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương.
Cử cán bộ tham gia 4 đoàn kiểm tra của các Bộ, ngành liên quan về việc chấp hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy lợi tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Hà Nội, Thái Nguyên; ban hành 1 Quyết định xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực thủy lợi tại tỉnh Tây Ninh với tổng mức phạt 80 triệu đồng.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong thời gian tới, mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước là quan trọng số 1. Và nó khẳng định tương lai của ngành thủy lợi, khẳng định vị thế của ngành thủy lợi với rất nhiều việc để làm, phải làm.
Hiện nay chúng ta đã xây dựng xong Quy hoạch về Thủy lợi và phòng chống thiên tai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo về cả tiến độ và chất lượng. Các Bộ, ngành đã cho ý kiến đồng thuận.
“Mặc dù chưa họp Hội đồng Quốc gia để thông qua, nhưng tôi đánh giá rất cao. Đây là sự đóng góp rất lớn của Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai, các nhà khoa học, các nhà phản biện”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.
Thứ trưởng cho rằng, những kết quả mà Tổng cục Thủy lợi đạt được trong điều hành công tác thủy lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, phòng chống thiên tai; các nhiệm vụ xây dựng pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia... chứng minh một lần nữa tinh thần đoàn kết, nhất trí và chia sẻ trong Tổng cục, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT.
Nguồn: nongnghiep.vn