Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 1210
Lượt truy cập : 7702681
Xây dựng chuỗi giá trị cho hạt gạo (19/02/2016)
Những ngày sau Tết Bính Thân 2016, nông dân các tỉnh ĐBSCL bước vào thu hoạch lúa đông xuân - vụ mùa chủ lực trong năm. Năm nay, thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh xuất hiện nhiều khiến năng suất lúa bị ảnh hưởng; ngoài ra, giá lúa dao động ở mức không cao nên lợi nhuận mà nông dân thu về không như mong muốn…


Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa.

Chi phí tăng, lợi nhuận giảm…
Sáng 14-2 (mùng 7 Tết), nông dân Lê Văn Tám, ngụ ấp Hòa Quới, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã ra đồng thuê máy gặt thu hoạch 5 công lúa đông xuân. Nếu như vụ đông xuân năm ngoái, lúa trúng mùa năng suất đạt khoảng 1.000kg/công thì nay lúa bị giảm xuống chỉ còn 850kg/công. “Vụ đông xuân này do nước lũ về thấp nên không có phù sa bồi đắp đồng ruộng, thiếu nước để tháo chua, rửa phèn, thải loại sâu bệnh… cộng với lượng mưa ít, nắng hạn nhiều nên không thuận lợi cho lúa phát triển. Mặc dù nông dân đã sử dụng nhiều loại phân thuốc phòng ngừa nhưng năng suất lúa vẫn giảm, trong khi chi phí sản xuất lại tăng”, ông Tám than.
 
Cạnh ruộng lúa ông Tám là khu đất gần 40 công của ông Lê Văn Minh (xã Hòa Tân) cũng vừa thu hoạch và bán cho thương lái với giá 4.600 đồng/kg (lúa tươi hạt dài). Ông Minh tính toán: “Hồi trước Tết Bính Thân 2016 giá lúa tươi loại thường chỉ có 4.300 đồng/kg, lúa tươi hạt dài giá 4.500 đồng/kg… Sau tết, thương lái bắt đầu thu mua lúa trở lại với giá tăng khoảng 100 đồng/kg. Thấy giá nhích lên, nông dân mừng, nhưng do năm nay năng suất giảm nên đồng lời bị teo tóp. 40 công lúa đông xuân của tôi năm ngoái lời hơn 100 triệu đồng, còn năm nay mức lợi nhuận chỉ đạt 80 triệu đồng, giảm tới 20 triệu đồng…”. 

Cùng cảnh ngộ trên, ông Lâm Văn Sáu, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), tâm sự: “Vụ đông xuân này, nông dân canh tác vô cùng vất vả bởi sâu bệnh nhiều, chuột cắn phá… nên phải ra đồng thường xuyên. Đến nay, lúa đã chín vàng và thương lái đặt cọc mua với giá dao động từ 4.500 - 4.600 đồng/kg (lúa tươi hạt dài), tính ra nông dân lãi khoảng 18-20 triệu đồng/ha”. Tại cánh đồng lúa thơm ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), nông dân vừa ăn tết, vừa phải theo dõi diễn biến thị trường lúa gạo. Ông Nguyễn Văn Xiêm Nhỏ có 8ha lúa thơm, bộc bạch: “Ở khu vực này thương lái mua lúa thơm (loại tươi, giống Jasmine) tại ruộng chỉ 4.700 đồng/kg, như vậy là thấp quá. Chưa kể năng suất lúa thơm năm nay chỉ đạt khoảng 6 tấn/ha, thấp hơn cùng kỳ từ 1- 2 tấn/ha khiến lợi nhuận chỉ còn hơn 15 triệu đồng/ha, mức này là không cao”.

Liên kết chuỗi giá trị
Năng suất giảm, giá lúa không cao khiến nông dân lo lắng là chuyện đương nhiên; thế nhưng những hộ sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” được doanh nghiệp bao tiêu vẫn đạt mức lợi nhuận hấp dẫn. Ông Nguyễn Văn He, ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang), tiết lộ: “Nông dân vùng này ký hợp đồng trọn gói với Công ty TNHH Lương thực Vĩnh Bình và sản xuất theo yêu cầu của công ty. Từ lúa giống, phân thuốc, vật tư… đều được công ty cung ứng 100%, đến khi thu hoạch thì trừ lại. Hiện công ty cho giá thu mua lúa khô (giống xuất khẩu) là 7.000 đồng/kg, tính ra nông dân có lời khoảng 25 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất riêng lẻ bên ngoài”. Thật ra, mô hình sản xuất theo “cánh đồng lớn” có sự hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu để phát triển nền sản xuất lúa gạo bền vững. Mô hình này đã chứng minh hiệu quả và được Bộ NN-PTNT cùng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL khuyến cáo nhân rộng, nhưng đến nay việc phát triển chưa như mong muốn. 

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL phân tích: “ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo của cả nước, mặc dù những năm gần đây diện tích đất lúa có giảm do ảnh hưởng đô thị hóa, công nghiệp hóa… nhưng nhờ ứng dụng tốt giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật… nên đã góp phần tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Mặt được là vậy, nhưng trước những diễn biến của thời tiết khắc nghiệt, biến đối khí hậu tác động sẽ khiến sản xuất lúa gạo ngày càng cam go hơn; do đó cần phải nhanh chóng tìm ra mô hình canh tác mới phù hợp. Sau thời gian thử nghiệm cho thấy “cánh đồng lớn” là hướng đi đúng, vì vậy tùy theo từng vùng, từng nơi mà chúng ta nhân rộng việc sản xuất lúa theo “cánh đồng lớn”, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị thì mới bền vững được”. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cũng lưu ý: “Nông nghiệp sẽ chịu áp lực lớn trong tiến trình hậu WTO, TPP và tác động biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Nếu không có giải pháp từ bây giờ sẽ rất khó tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển nền sản xuất lúa gạo bền vững trong tương lai. Việc liên kết 4 nhà, xây dựng chuỗi giá trị cho lúa gạo cần tính toán nhân rộng. Làm được điều này, ngành chức năng phải tổ chức lại sản xuất, tập hợp nông hộ nhỏ lại để hình thành nền sản xuất lớn theo hướng liên kết với doanh nghiệp. Song song đó, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn; bằng việc dạy nghề cho 1/3 lao động nông thôn để làm nông dân, 2/3 lao động nông thôn còn lại thì học nghề phi nông nghiệp để tìm việc làm khác nhằm tăng thu nhập. Nguyên nhân, là làm nông nghiệp bây giờ đã được cơ giới hóa, sử dụng máy móc nên không cần nhiều lao động thủ công”. 

Theo các nhà chuyên môn, để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo thành công cần phát huy vai trò kinh tế hợp tác. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ phát triển các hợp tác xã kiểu mới để tập hợp nông dân. Hợp tác xã sẽ đại diện cho nông dân ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, tổ chức các dịch vụ chung, như: cung ứng vật tư, dịch vụ bảo vệ thực vật, hệ thống sấy, bảo quản, tạm trữ, tìm đầu ra cho sản phẩm… Hợp tác xã sẽ góp phần làm giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng lúa gạo và tăng giá bán giúp nông dân được lợi trong chuỗi giá trị…

Theo http://www.sggp.org.vn
Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN