Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 108
Lượt truy cập : 7625475
TPHCM chung sức xây dựng nông thôn mới. Bài 2: Bức tranh sinh động (31/08/2015)

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua viết trong một tài liệu về kinh nghiệm xây dựng mô hình nông thôn mới đã đặc biệt nhấn mạnh đến phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong việc đa dạng hóa các mô hình, vì như ông nói: “Sức mạnh và tiềm năng trong dân còn lớn lắm. Nếu biết khơi dậy và khai thác tốt sẽ có tác động làm thay đổi tư duy, nhận thức của nông dân theo hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững”. 
 


Phó Chủ tịch hội Nông dân xã Trung Lập Thượng Vũ Đức Huy trao đổi kinh nghiệm trồng dưa leo với xã viên Tổ hợp tác rau VietGAP

Trồng rau VietGAP, tậu đất, xây nhà...

Chúng tôi tìm đến xã Trung Lập Thượng theo giới thiệu của UBND huyện Củ Chi để hỏi về những mô hình sản xuất mới. Anh Mau, cán bộ xã, dẫn tôi xuống cánh đồng ấp 3, gặp Vũ Đức Huy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Anh đang trao đổi kỹ thuật trồng dưa leo tại thửa đất hộ ông Nguyễn Văn Cu, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau VietGAP. Câu chuyện “đầu bờ” rôm rả hẳn lên khi ông Cu nói về hiệu quả của mô hình trồng rau VietGAP. Ông nói: “Đám dưa 3 công này đang hái tới tuần thứ tư, mỗi ngày được hơn 400kg. Tính giá 6.000 đồng/kg là có gần 3 triệu đồng, mà ngày nào cũng hái, đợt rộ nhiều ngày tới gần 600kg. Trồng dưa leo theo phương pháp VietGAP từ lúc tra hạt đến lúc hái chỉ 55 ngày, nhưng thu hoạch tới 60 ngày mới tàn. Lấy bình quân mỗi ngày bán được 3 triệu đồng là mỗi vụ tui có gần 200 triệu đồng. Năm làm 3 vụ, trừ chi phí, đám đất này “đẻ” ra hơn nửa tỷ đồng…”. Chỉ tay sang đám ruộng 2 công kế bên, ông Cu khoe vừa mới sang gần 200 triệu đồng. “Chỉ 1 năm là tui lấy lại vốn đám ruộng này”, ông Cu nói chắc nịch.
 

Dẫn chúng tôi sang đám ruộng hơn 1ha trồng bầu của hộ ông Phan Thanh Long trong tổ hợp tác, ông Cu giới thiệu: “Trồng bầu coi vậy cũng ngon lắm nghe. Trái nhỏ nhỏ vậy chứ qua ngày mai là hái được rồi, ngày nào cũng hái. Làm theo VietGAP có cái lợi là giá bán ký hợp đồng với công ty, từ lúc tra hạt đến khi thu hoạch giá không đổi, dù thị trường có lên xuống. Nhờ vậy mà nông dân yên tâm, thu hoạch ngày nào giao ngày nấy, cuối tuần tiền chuyển vào tài khoản, khỏi chờ đợi, đòi hỏi gì…”. Tiếp lời ông Cu, ông Long khoe: “Đám ruộng này mới sang được 2 năm, làm mấy vụ rau VietGAP lấy vốn rồi. Nhờ nó mà mấy năm qua gia đình tui nuôi được 2 đứa con vào đại học. Năm nay coi như lãi ròng, khoản này sẽ xây cái nhà khang trang cho vợ con ở…”. Theo ông Cu, hiện tổ hợp tác do ông khởi xướng cách đây 3 năm, từ vài hộ lúc đầu, nay lên tới hơn 30. Nhiều hộ mấy năm qua tậu đất, tăng diện tích, xây nhà, sắm sửa đồ dùng đắt tiền nhờ hiệu quả từ rau VietGAP. “Sang năm khi có đủ thành viên, tụi tui sẽ lên hợp tác xã để tính chuyện làm ăn lớn”, ông Cu hồ hởi tính toán.
 


Chị Ba Huýnh kiểm tra chất lượng sọt tre xuất khẩu


Liên kết phát triển kinh tế nông thôn

Ở xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi), nói đến chị Ba Huýnh “sọt tre” (chủ cơ sở mây tre lá Thiên Long), nhà nào cũng biết, bởi mô hình sản xuất sọt tre từ cây trúc do chị và nhiều người dân trong vùng hình thành nên, đã giúp cho hàng trăm hộ dân những năm qua thoát nghèo và rất nhiều gia đình khác trở nên khá giả. Thấy chúng tôi và Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Văn Hoàng từ xa đi tới, chị Ba Huýnh đã chạy lại phấn khởi khoe: “Tháng rồi xuất được gần chục container, khoảng hơn 5.000 sản phẩm. Đà này từ giờ tới cuối năm, 100 container ăn chắc…”. Nói rồi chị Ba Huýnh mở sổ ra cho chúng tôi xem danh sách hơn 100 hộ, trong gần 3.000 hộ của xã, đem sản phẩm tới giao 2 ngày qua. Cách làm của cơ sở chị Ba Huýnh khác so với nhiều nơi: cơ sở cung cấp vành, các hộ tự khai thác tre, trúc trồng quanh nhà làm ra nan rồi đan thành sọt giao lại cho cơ sở. Với cách làm này, hơn 80% doanh thu và lợi nhuận được chia đều cho gần 3.000 hộ trong xã và nhà nào cũng có việc làm ổn định với thu nhập (từ bán nguyên liệu đến tiền công) khoảng 14 đến 16 triệu đồng/tháng cho khoảng 3 lao động - chủ yếu là người già, trẻ em. Chị Ba Huýnh nói chắc nịch: “Không lo đầu ra, vì nước ngoài họ đặt hàng làm không kịp, phải nhập nguyên liệu ở vùng khác”.
 

Xã Thái Mỹ, như Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Văn Hoàng giới thiệu, còn có nhiều mô hình sản xuất liên kết khác do nông dân tự đứng ra thành lập và quản lý, hoạt động rất hiệu quả; trong đó có mô hình nuôi cá trê giống của hơn 100 hộ ở ấp Bình Thượng 2. Anh Nguyễn Bình Tây, thành viên tổ hợp tác, nói: “Xung quanh đây nhà nào cũng nuôi cá trê giống cung cấp cho các tỉnh miền Tây. Phương thức hợp tác được các hộ tính với nhau theo kiểu “vần đổi công”, có nghĩa là người bỏ giống, người bỏ thức ăn, hoặc hỗ trợ vật liệu phủ bạt, thi công hồ cá, sang cá giống cho đủ số lượng, chủng loại cung cấp cho khách hàng khi có yêu cầu số lượng lớn… Bình quân, mỗi nhà làm từ 2 đến 4 hồ, mỗi tháng cho ra cả tấn cá giống. Giá bán 60.000 đồng/kg, trừ chi phí còn được một nửa…”. Chỉ sang nhà anh Thịnh bên cạnh, anh Tây nói: “Bên đó nuôi mấy năm rồi, trúng lắm. Nhà nó vừa bán được gần 200 triệu đồng tiền cá, đang tính chuyện cất lại cái nhà”. Với những mô hình hợp tác trên, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Lâm, đã đưa Thái Mỹ những năm qua trở thành xã giàu với gần 70% số hộ khá giả, hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn vài trường hợp.
 

Đến xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), chúng tôi được cán bộ xã đưa xuống gặp một số hộ trong Tổ hợp tác muối - tôm. Gặp chúng tôi, câu đầu tiên ông Lê Văn Núi (ấp Tân Điền) đem chuyện làm muối, nuôi tôm ra khoe: “So với con tôm, làm muối vẫn khỏe hơn vì ít vốn, ít công và giá bán mấy năm nay sống được”.

Vùng này trước kia như ông Núi nói, người dân chỉ làm muối, một năm 2 vụ, những tháng mùa mưa để đồng trống ngập nước, chờ mùa khô thau đồng, sửa bờ, nạo kênh dẫn nước mặn về làm muối. Làm như vậy lãng phí công và tốn chi phí cải tạo lại đồng muối trước vụ sản xuất. Nghĩ vậy, ông Núi bàn với vợ con đi học kỹ thuật nuôi tôm ở mấy ấp trên trong xã về làm thử con tôm mấy tháng mưa. Được xã hỗ trợ kỹ thuật, vay vốn của mô hình xây dựng nông thôn mới, ông Núi rủ thêm một số hộ nuôi tôm theo phương pháp quảng canh, có nghĩa là thả giống xuống để tôm tự nhiên phát triển, chỉ cho ăn những thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Năm đầu, 3ha đồng muối nhà ông Núi trúng đậm gần chục tấn tôm sú. Nhiều hộ trong ấp năm đó cũng trúng tôm như ông Núi nên cùng nhau bàn cách hợp tác lại thành tổ hợp tác vừa làm muối, vừa làm tôm theo kiểu góp vốn, góp sức làm chung. Cứ như vậy, đến nay đã được 3 năm và mô hình này không chỉ mở rộng ra cả ấp Tân Điền, mà 2/3 số hộ làm muối trong xã Lý Nhơn đã đứng ra tự thành lập với nhau được hơn 20 tổ hợp tác, khai thác tối đa lợi thế của vùng đất từ con tôm, hạt muối. Tính ra, như ông Núi nói, mỗi năm một hộ cũng có thu nhập được từ 200 đến 300 triệu đồng cho 1ha và không ít hộ giàu lên từ mô hình liên kết làm ăn mới này. 

Theo http://sggp.org.vn


 


 

 

 

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN