Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 4816
Lượt truy cập : 7732484
TP.HCM: Đất nông nghiệp đang teo tóp dần (23/02/2011)
TP.HCM: Đất nông nghiệp đang teo tóp dần

Giữ đất nông nghiệp cho TP rất khó, khó nhất là khước từ cám dỗ của phát triển công nghiệp và các nhà đầu tư

     Nhiều bức xúc về đất nông nghiệp, môi trường ô nhiễm đã được nông dân huyện Củ Chi - TPHCM giãi bày trong chương trình “Nói và làm” của HĐND TPHCM sáng 7-9.

     Không khéo dân thành con nợ

     Ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết đất nông nghiệp bị thu hồi làm KCN khiến nông dân không còn đất sản xuất. “Toàn huyện có 320.000 lao động nhưng tỉ lệ lao động nông nhàn chiếm tới 55%”- ông Tấn dẫn chứng. Còn lão nông Trần Văn Thêm, ở xã Phước Hiệp, lo lắng: “Từ khi có quy hoạch khu dân cư ở xã tôi, người dân không sản xuất nữa mà vay tiền ngân hàng để sống rồi ngồi chờ đền bù. Không khéo sẽ mất đất và thành con nợ!”.

     Đại biểu Dương Văn Nhân, Phó Chủ tịch Hội nông dân TP, bức xúc: “Đất nông nghiệp bị hoang hóa ngày càng nhiều do “dính” quy hoạch. Đề nghị TP trả lời rõ: Lấy đất nông nghiệp quy hoạch làm gì, chừng nào làm?”. Theo ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở NN-PTNT, TP hiện còn 116.000 ha đất nông nghiệp, tập trung ở 5 huyện ngoại thành: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp ở các khu vực này. Chính vì vậy, dù thông báo Củ Chi đã giữ tốt diện tích đất nông nghiệp so với quy hoạch năm 1998 (trừ phần diện tích dành cho KCN Tây Bắc và khu Thảo Cầm Viên Safari) nhưng Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Hòa thừa nhận: “Giữ đất nông nghiệp cho TP rất khó, khó nhất là khước từ cám dỗ của phát triển công nghiệp và các nhà đầu tư”.

     Nông thôn không còn trong lành

     “Hầu hết các tuyến kênh rạch của Củ Chi đều bị ô nhiễm nặng. Chúng ta không thể kêu gọi sản xuất rau sạch trong khi môi trường không còn trong sạch”- ông Dương Văn Nhân nói. Ông Trương Văn Sầm (xã Bình Mỹ) vừa nêu đích danh các nhà máy, xí nghiệp biến những dòng kênh xanh thành kênh thúi vừa bức xúc: “Trước đây năng suất trồng màu khoảng 6-10 tấn/ha. Từ khi các cơ sở công nghiệp chuyển về, thải nước thải ra thì năng suất chỉ còn 3-4 tấn/ha. Là người trồng trọt, quý vị có đau lòng không?”. Còn người dân xã Phước Hiệp cho biết nước ngầm quanh bãi rác Phước Hiệp bơm lên không dùng được nữa, trong khi mùi hôi từ rác thì bay xa hàng cây số. Ngoài ra, việc gia tăng đàn heo và bò quá nhanh cũng khiến người dân lo ngại vì hiện chỉ mới xử lý được khoảng 50% lượng nước thải, chất thải từ chăn nuôi.

     Trả lời những bức xúc của người dân, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đào Anh Kiệt chỉ nói vòng vo, thậm chí ca ngợi một tập đoàn Hàn Quốc cam kết có giải pháp bảo vệ môi trường cho... sân golf! Ngắt lời ông Kiệt, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM, khẳng định TP chủ trương giảm KCN, dự án sân golf để giữ đất sản xuất. “Một sân golf 18 lỗ tiêu thụ 150.000 m3 nước/tháng, bằng nhu cầu của 20.000 dân và dùng lượng hóa chất nhiều gấp 3 lần sản xuất nông nghiệp nên ảnh hưởng đến môi trường rất lớn”- bà Thảo giải thích.


(Nguồn: nld.com.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN