Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 107
Lượt truy cập : 7724334
Không để "có lỗi" với kênh Đông... (22/10/2014)
Nước ta có gần 70% dân số làm nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu vào loại hàng đầu thế giới, nhưng phần lớn những người tạo ra kim ngạch đó lại có thu nhập bấp bênh. Làm thế nào để người nông dân có thể trụ vững và làm giàu trên quê hương mình? Đây chính là bài toán mà TPHCM, địa phương đi đầu cả nước kiên trì thực hiện từ cuối những năm 1990. Vậy TPHCM thực hiện bằng cách nào?

Từng là vùng “đất thép thành đồng” của cả nước, nhưng huyện Củ Chi lại là địa phương nghèo khó nhất nhì TPHCM sau năm 1975 cho đến khi có dòng kênh Đông dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về như “tắm mát” cho vùng đất này. “Nếu không biết cách tận dụng lợi thế đó để giúp người dân phát triển nông nghiệp là có lỗi với kênh Đông” - chẳng biết có phải vì câu tuyên bố này từ một lãnh đạo huyện, mà giờ đây, Củ Chi trở thành vùng đất phát triển nông nghiệp trù phú bậc nhất TPHCM.

Nuôi cá, trồng lan
TP Hồ Chí Minh gần cuối năm, tiết trời dễ làm người ta lười biếng… Nhưng với ông Khưu Minh Hưng, điều này không có ý nghĩa gì. Ngày nào cũng vậy, bắt đầu ngày mới từ 4 giờ sáng, từ quận 5 ông tự lái xe lên ao cá ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi; cuối buổi chiều quay ngược về nhà. Nhìn ông khó mà biết trước đây là công chức, bởi bây giờ vóc dáng rám đen. Đầu năm nay ông Hưng có đối tác mới, ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Việt Long Sài Gòn- đơn vị thành viên của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.



Vườn lan của ông Nguyễn Văn Xuân, ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM.

 
“Tôi nhận thấy vị thế của khu đất này rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản vì “hứng” được nguồn nước ngọt của kênh Đông chảy qua. Việc tham gia với anh Hưng để chuyển hướng sang nuôi cá sặc rằn, thát lát, hy vọng sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều”, ông Nguyễn Xuân Châu cho biết. Các ao nuôi cá trê thu gọn lại, cá thát lát nuôi trong vèo, cá sặc rằn nuôi bên ngoài, có ao lại nuôi chung, mô hình khá mới. Nhằm kịp thời áp dụng kỹ thuật phù hợp cho sự tăng trưởng và thích nghi của con cá, ông Châu tuyển dụng kỹ sư từng trải nghiệm ở Israel, hoặc tham vấn Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Cá lớn lên, chi phí tăng cao, mỗi tháng “nuốt” gần 2 tỷ đồng tiền thức ăn. Hai ông quyết định vay gần 10 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn, chi nhánh Củ Chi, lãi suất hỗ trợ 4%/năm. Vậy là ông Hưng đã có “thêm bạn” với khát khao mới và tham vọng lớn hơn, cùng hội với những chủ ao cá nằm dọc kênh Đông!

Có lẽ xuất phát từ cuộc sống luôn chật vật khi chạy xe lam tuyến Củ Chi - Chợ Lớn, trong khi cả nhà phải trồng lúa, hoặc trỉa đậu phộng, nên ông Nguyễn Văn Xuân, ấp Trung, xã Tân Thông Hội “bén duyên” khá sớm với nghề trồng lan cắt cành. Ông vẫn nhớ rõ, lúc đó việc trồng lan cắt cành còn rất mới, ông đi vay tiền để trồng lan “ai cũng cười”. Từ 300m2 đất trong vườn nhà, năm 2009 người con của ông sau khi đi lao động nước ngoài về đã mạnh dạn vay 850 triệu đồng nhằm đầu tư mở rộng vườn lan trên 1 tỷ đồng. Vừa bán cây giống, vừa bán lan cắt cành, mỗi năm thu vào khoảng 400 triệu đồng, 3 năm sau trả hết vốn cho ngân hàng. Hai cha con quyết định mở rộng vườn lan lên 6.000m2, năm ngoái người con trai tiếp tục vay vốn đầu tư. Hiện nay vườn lan có 40.000 cây, hơn một nửa bắt đầu cho hoa, trung bình mỗi tháng thu vào khoảng 50 triệu đồng. “Trồng lan có lưới che nắng, che mưa, khá nhàn, nên dù lớn tuổi tôi vẫn làm được. Giờ đây cả gia đình sống bằng nghề lan”, ông Xuân vui vẻ tâm sự.

“Vườn lan Huyền Thoại, xã An Nhơn Tây với diện tích gần 5ha, dù mới đầu tư nhưng đã trở thành điểm tham quan của các tour du lịch về địa đạo Củ Chi, và là mô hình trồng lan kiểu mẫu của huyện…”, ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, cho biết. Làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng gốc con nhà nông, năm 2008 thấy nghề lan cắt cành mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Huỳnh Nhựt Thanh “khởi nghiệp” từ 1ha với 20.000 gốc lan. 3 năm sau, anh quyết định chặt vườn cao su gần 5ha để mở thêm địa điểm trồng lan mới tại ấp Bà Sòng, xã An Nhơn Tây. Ngoài vốn tự có, anh Thanh vay thêm 4,9 tỷ đồng. Vườn lan mới được đầu tư khá hiện đại, cảnh quan rộng rãi, thoáng mát như khu du lịch. Hiện nay một số cây lan bắt đầu cho bông, có hợp đồng bao tiêu quanh năm, riêng thị trường Hà Nội mỗi ngày cắt bán gần 1.000 cành bông. Một điều khá thú vị là người con trai lớn lại quyết theo nghề nông sau khi du học ở Mỹ về, điều này quả thật hiếm hoi. “Con mê nuôi gia súc nên khi du học đã học ngành chăn nuôi. Hiện nay con đang làm chuồng trại, trước mắt sẽ nuôi 200 con bò” - Thoại, con trai anh Thanh nói giọng chắc nịch.

“Độc diễn” bò sữa
Mùi ngai ngái phân bò có thể len lỏi vào trong giấc ngủ, điều này rất dễ cảm nhận khi chúng tôi bước vào xã Tân Thạnh Đông. Những con kênh trước nhà người dân gần như chỉ chứa một thứ nước thải, đó là nước thải từ bò. Điểm cuối của dòng kênh là các cánh đồng cỏ. Trước đây cao su đắt giá, phân bò được các chủ trang trại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh lùng mua để bón cây, nay giá cao su rớt thê thảm, thế là phân bò bỏ vào bao chất thành từng đống trước nhà! Nhưng câu chuyện này đã trở nên “rất nhỏ” so với sự hăm hở của người dân đã và đang giàu lên từ… bò sữa này!

Ghé thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hồng, ấp 5, đang là giờ vắt sữa buổi chiều. 10 năm qua người dân vùng này say mê… nuôi bò, câu chuyện trồng lúa đã xếp vào quá khứ. Anh Hồng cho biết, hiện nay đàn bò có 11 con, bao gồm cả bê. Tính ở mức thấp nhất, mỗi con vắt được 15kg sữa, 6 con đang cho sữa, giá bán hiện tại 13.000 đồng/kg, mỗi ngày thu hơn 1 triệu đồng, lợi nhuận trừ đi chi phí còn một nửa. Với đà này, sang năm, đàn bò vắt sữa tăng lên 11 con, lúc đó thu nhập cũng tăng lên. Chưa kể, khi bò đẻ bê con, vừa lọt lòng, bê cái là 10 triệu đồng, còn bê đực 2 triệu đồng, nếu bán sẽ có người mua ngay. Một mẫu ruộng lúa trước đây nay biến thành đồng cỏ làm thức ăn cho bò. “Năm sau tôi sẽ vay vốn để dời chuồng bò ra phần đất bên hông nhà và mở rộng ra thêm, để phần sân trước nhà cho thoáng và có chỗ làm đám tiệc, chứ mình cũng lớn tuổi rồi”, anh Hồng nói. Chỉ thùng bia đang uống dở, anh nói: “Bây giờ ở đây uống “ken” (bia Heineken) không hà, dự đám giỗ cũng đi “ken”!”.

Từ xa nghe tiếng nhạc vui tai phát ra từ chiếc radio treo trên tường của chuồng bò, giống như bữa tiệc, chứ không thể tưởng tượng xuất phát từ nơi những con bò đang vào giờ vắt sữa. Anh Nguyễn Hùng Dũng ấp 3A, chủ nhân trại bò sữa tỏ ra rất hào hứng. Cách nay 1,5 năm, anh vay vốn 500 triệu đồng đầu tư thêm cho đàn bò. Hiện nay đàn bò của anh lên 60 con, cả lớn lẫn nhỏ, 24 con đang cho sữa. Mỗi ngày thu được 350kg sữa, tổng thu 4,5 triệu đồng, vì toàn bộ thức ăn phải mua nên tỹ lệ chi phí và lợi nhuận là 7/3. Thu nhập cao nhưng công việc không quá bận rộn, sáng 4 giờ 30 thức dậy, dọn vệ sinh, cho ăn, vắt sữa đến 8 giờ 30; công việc tương tự vào buổi chiều, từ 2 giờ 30 cho đến 4 giờ 30. Giao sữa xong là… đi nhậu! “Nếu Nhà nước cho vay bao nhiêu tôi vay hết. Nuôi bò sữa là từ nghèo đến giàu, từ giàu thành đại gia, chứ nói có ăn là không đúng”, anh Dũng quả quyết. Anh không hề tỏ ra tiếc nuối về quyết định của 4 năm trước khi bỏ làm “cán bộ” tại một công ty thuốc lá! 

Ông Huỳnh Văn Chiến, cán bộ khuyến nông xã Tân Thạnh Đông, thích dùng con số để nói về quy mô tài sản đàn bò. Tổng đàn bò của xã là 18.000 con, giá xa cạ 40 triệu đồng/con sẽ thành 720 tỷ đồng. Còn nếu tính ra sữa, chỉ một nửa số bò vắt sữa mỗi năm thôi, xã đã thu về trên 600 tỷ đồng! Nhằm cung cấp kịp thời thức ăn cho bò, người dân chuyển 450ha lúa sang trồng cỏ. Xã cũng dự định thống kê số hộ nuôi bò sữa có xe hơi. Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, cho biết, hiện nay việc bán sữa của nông dân ổn định vì ký thẳng hợp đồng với các công ty như Vinamilk, FrieslandCampina… Sau khi vắt sữa xong người dân chở đến trạm thu mua, tuần sau tiền thanh toán chuyển qua tài khoản ở ngân hàng. Tuy nhiên, vì đàn bò phát triển quá mạnh dẫn tới sự bất cập về môi trường, đây đang là vấn đề chính quyền địa phương và bà con đang tìm hướng giải quyết.

Theo http://www.sggp.org.vn
Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN