Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 82
Lượt truy cập : 7773426
Việt Nam hướng đến thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu (25/08/2014)
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). BĐKH có thể sẽ làm trầm trọng thêm những nguy cơ sẵn có đối với tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng, sức khỏe con người và những mối đe dọa lớn cho phát triển kinh tế cũng như môi trường. Để thích ứng với BĐKH, hiện Việt Nam đã xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chính sách ứng phó, trong đó có giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển carbon thấp, tăng trưởng xanh để góp phần cùng cộng đồng thế giới đạt được mục tiêu cuối cùng của Công ước về biến đổi khí hậu. 


Tăng cường năng lực đàm phán BĐKH
Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 19 (COP19) được tổ chức tại Ba Lan vào năm 2013 đã đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt được một thỏa thuận toàn cầu về BĐKH và có hiệu lực vào năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận vào năm 2015 còn nhiều thách thức như: quan điểm giữa các nước phát triển và đang phát triển còn nhiều khác biệt, bất đồng; tài chính cho BĐKH chưa hiệu quả; mức cắt giảm khí nhà kính còn chưa thống nhất… Chính vì thế, các thành viên tham gia UNFCCC cần phải thúc đẩy hợp tác khu vực, tăng cường đàm phán để có sự thống nhất cho sự phát triển bền vững.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Liên hiệp quốc về chống BĐKH toàn cầu lần thứ 21 (COP21) sẽ được tổ chức tại Pháp năm 2015, vừa qua, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức các buổi hội thảo: Tăng cường năng lực đàm phán BĐKH quốc tế cho đàm phán viên các nước ASEAN nhằm tạo cơ hội để các thành viên đoàn đàm phán về BĐKH của Việt Nam và các nước ASEAN nâng cao hiểu biết về những kết quả có thể đạt được tại COP21; Tăng cường năng lực cho phát triển carbon thấp và các hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp điều kiện quốc gia (NAMAs). Thông qua các hội thảo này, các nhà đàm phán của ASEAN có thể tăng cường tình đoàn kết và cùng nhau hướng tiếng nói chung của các nước trong khu vực tại các cuộc họp các bên tham gia COP21. Cùng với đó, các nhà đàm phán cấp cao về BĐKH cũng được hiểu sâu hơn về các thành tố khó khăn nhất trong quá trình đàm phán, các vấn đề cần sự đồng thuận của các bên tham gia và các kịch bản kết quả của quá trình đàm phán.
Cục Phó Cục Khí tượng - thủy văn và BĐKH Nguyễn Khắc Hiếu cho biết, hiện Việt Nam đã xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chính sách ứng phó với BĐKH, trong đó có giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển carbon thấp, tăng trưởng xanh để góp phần cùng cộng đồng thế giới đạt được mục tiêu cuối cùng của Công ước khí hậu. Theo Quyết định 1775/QĐ-TTg năm 2012 của Chính phủ, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ giảm nhẹ khí nhà kính 8% trong lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải; 20% trong lĩnh vực nông nghiệp; 5% trong lĩnh vực chất thải; tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính 20% trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp so với kịch bản phát triển thông thường. “Tuy nhiên, để góp phần tích cực trong việc đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2°C vào cuối thế kỷ này, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu xây dựng và chuẩn bị thực hiện NAMAs cũng như đưa ra các đóng góp dự kiến do quốc gia tự xác định đối với thỏa thuận 2015 sẽ được thống nhất tại COP21 năm sau tại Pháp” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Xây dựng kế hoạch tự quyết giảm nhẹ khí nhà kính
Mặc dù Việt Nam chưa phải là quốc gia phát thải lượng lớn khí nhà kính, nhưng lượng khí này của Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Từ năm 2000 đến năm 2010, lượng khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam đã tăng 180% và tổng lượng khí thải nhà kính tăng 150%. Theo Cục Khí tượng - thủy văn và BĐKH, để khống chế mức tăng nhiệt độ ở mức 2°C giai đoạn 2020 thì theo UNFCCC, các bên thuộc UNFCCC, đặc biệt là nước phát triển phải cam kết giảm phát thải nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình của toàn cầu. Việc xây dựng dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định về giảm nhẹ khí nhà kính (iNDCs) được xem là một đầu vào quan trọng cho quá trình đàm phán về thỏa thuận khí hậu trong phiên đàm phán của các bên thuộc UNFCCC trong năm 2015. Đồng thời, iNDCs cũng được xem như là một biểu hiện quan trọng về các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong giải quyết vấn đề BĐKH, đối chiếu giữa việc cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật, các đề án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện tốt công ước cũng như giảm nhẹ những thiệt hại do BĐKH gây ra. Tuy nhiên, đến nay, iNDCs vẫn được xem là một vấn đề mới, dù đã có rất nhiều những cuộc họp, hội thảo để xác định iNDCs nhưng vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất và chưa định hình được phương pháp, cơ chế, trách nhiệm…
Hiện Bộ Tài nguyên - Môi trường đang lấy ý kiến của các bộ, ngành nhằm hoàn thành mục tiêu của iNDCs là: xác định được tiềm năng giảm phát thải; xây dựng các giải pháp chính sách tương ứng để nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu ứng phó với BĐKH nhằm giúp Việt Nam sớm có được báo cáo hoàn chỉnh để trình Chính phủ trước khi báo cáo tại COP21. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam cần sớm xây dựng và hoàn thiện iNDCs để có một báo cáo hoàn chỉnh tại COP21. Ông Hà cũng cho biết, bộ cũng đã đề nghị Cục Khí tượng - thủy văn và BĐKH xem xét, tham mưu, xây dựng, thiết lập các cơ chế phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức để thực hiện iNDCs./.

(Nguồn tin: http://www.sggp.org.vn)
 
Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 16/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 15/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 14/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 13/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 12/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 11/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 10/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 09/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 08/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 07/04/2024 (16/04/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN