Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 999
Lượt truy cập : 7701759
TPHCM sẽ có bao nhiêu sân golf? - Bài 3: Chuyện ngoài sân golf (23/02/2011)
TPHCM sẽ có bao nhiêu sân golf? - Bài 3: Chuyện ngoài sân golf

Dưới ánh nắng chói chang, xung quanh là màu xanh thẫm của cỏ cây được chăm chút từng li từng tí, người chơi golf mặc bộ đồ hàng hiệu, điệu nghệ tung vút một đường golf, tiếp đó là nụ cười mãn nguyện và tiếng vỗ tay tán thưởng rào rào! Thật tuyệt! Nhưng đằng sau các dự án sân golf, có không ít mảnh đời trôi nổi, héo hắt…

Sân golf = quy hoạch treo!

     10 năm giậm chân tại chỗ, dự án sân golf Sing - Việt đã biến thành khu quy hoạch “treo”, gây bao nỗi phiền toái cho người dân nơi đây.

     Ông Nguyễn Văn Thiệu, 84 tuổi, ngụ ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TPHCM) kể trong nỗi bức xúc: “Từ những năm 90 của thế kỷ trước, thành phố đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống kênh tưới tiêu lấy nước từ kênh Xáng. Đất đai màu mỡ, trồng gì được nấy, nào mía, nào rau màu… Nhưng từ khi cắm bảng quy hoạch, hệ thống kênh thủy lợi bị bỏ bê xuống cấp trầm trọng, nước ứ đọng đóng váng vàng kềnh, không ai dám thò chân xuống nước chứ đừng nói tưới cây. Vậy là thành đất hoang”.

     Nhưng có lẽ thảm cảnh nhất là chuyện ở khu phố 5, nằm trong dự án sân golf phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, nơi mà có phần đất ễnh ra sông Sài Gòn như hình bầu diều, trông rất đẹp.

     Tháng 1- 2004, thành phố ra quyết định giao đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển Kinh tế quận 6 để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị Hiệp Bình Phước, tổng diện tích hơn 198ha.

     Hơn hai năm sau, tháng 11-2006, thành phố chấp thuận cho Công ty TNHH Vạn Phúc trở thành chủ đầu tư mới. Đến tháng 2- 2007, công ty này được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch, trong đó có khu sân golf rộng 961.197m2 gồm sân golf 27 lỗ, khu biệt thự nghỉ mát sân golf 100 căn, nhà nghỉ 100 hộ.

     Hiện nay, tiến độ thực hiện dự án được ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước cho biết: Dự án ảnh hưởng đến 500 hộ dân, trong đó nhà hiện hữu phải di dời là 175 hộ, công việc hiện đang thực hiện là đền bù đất nông nghiệp, đạt gần 60%.

     Dự án thực hiện chậm chạp, nỗi khổ của người dân sống ở đây có thể “cân đo đong đếm” được. Đầu tiên là dịch sốt xuất huyết, gần như thành căn bệnh cố hữu, rình rập đe dọa bất cứ ai. Ông Lê Trung Hậu, Phó ban điều hành khu phố 5 cho biết đang là cao điểm diệt lăng quăng, ban ngày tới từng nhà vận động còn ban đêm thì đưa đoàn đi kiểm tra để phun thuốc.

     “Con lăng quăng sinh ra từ cái khổ đó! Dự án chậm, cây cỏ rậm rạp, đường sá không được làm, dẫn đến mưa to nước đọng thành vũng không thoát được, là nguyên nhân thứ nhất. Thứ hai, vì nằm trong khu quy hoạch nên nước máy không được kéo tới nhà, bà con phải trữ nước mưa trong lu để xài, là ổ sinh đẻ của muỗi”, ông Hậu giãi bày.

     Cái khổ thứ ba, vì là khu quy hoạch, đương nhiên nhà cửa không được xây cất. Chị Tuyết, nhà nằm trong “ốc đảo” bầu diều ứa nước mắt nói: “Cơn lốc đầu tháng tám vừa qua làm nhà tôi xiêu vẹo muốn sập, phải lấy dây chằng lại. Xin cất nhà, phường bảo nhà sao sửa vậy, nhưng nhà tôi mái lá nên chẳng biết mua lá ở đâu!”.

     Năm 1993, căn nhà vách tôn mái lá của chị Tuyết được dựng lên, khoảng cuối những năm 90, râm ran thông tin nơi này sẽ bị quy hoạch làm dự án. Cách đây 4 năm, lúc chị đã chuẩn bị đầy đủ vật liệu để xây căn nhà đàng hoàng thì dự án công bố. Từ đó đến nay, hai vợ chồng, hai đứa con, một người em đành cam chịu sống dưới ngôi nhà có thể sập bất cứ lúc nào như thế đó!

     Nỗi khổ cuối cùng liên quan đến nồi cơm hằng ngày. Vùng đất này nổi tiếng trồng mai, hằng năm vào dịp tết đến xuân về là mùa thu hoạch của người dân. Ông Lê Trung Hậu làm bài tính, mỗi sào 1.000m² sẽ trồng trung bình 800 cây mai, ba năm sau thu hoạch, giá bán bình quân 50.000 đồng/cây, ít ra cũng trên 10 triệu đồng/năm, thu nhập chính của mỗi gia đình.

     Tất nhiên, nguồn thu đó sẽ không còn nữa khi dự án sân golf thành hình! Nhìn tấm bảng tái định cư hơn 3ha - cũng chưa làm gì cả- sát dự án chính, nhiều hộ gia đình cám cảnh cho viễn cảnh ở đây nhưng không biết làm gì, nên có hơn 10 hộ đã đi mua rẫy rừng ở Bình Phước, Đắc Lắc chuẩn bị tiếp tục nghề nông!

Cộng đồng có ngoài cuộc?

     Theo Hội Golf TP, TPHCM hiện có 560 hội viên, cộng thêm những người đang tập chơi golf lên khoảng 1.000 người. Số lượng này chỉ chiếm 1/3 so với số người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại thành phố chơi golf, chưa kể có những cơ quan, văn phòng đại diện bắt buộc nhân viên phải chơi golf. Nhưng số lượng sân golf hiện nay đang quá ít ỏi, thường bị “quá tải” vào ngày nghỉ cuối tuần. Vì vậy, nhu cầu chơi golf tăng lên là xu hướng tất yếu khi nền kinh tế phát triển mạnh.

     Ở những quốc gia xung quanh, nơi nào cũng có nhiều sân golf như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, riêng ở Mỹ có đến 23.000 sân golf! Vấn đề là đất nào sẽ làm sân golf? Là người đi nhiều nơi trên thế giới, ông Dương Thanh, Tổng thư ký Hội Golf TPHCM cho biết, mô típ làm sân golf là lấy đất hoang, đồi núi có phong cảnh tương đối, còn không có cảnh quan thì tạo cảnh quan, tức là biến “cái không thành có”. Đối với đất nông nghiệp đang trồng lúa thì xin đừng đụng tới.

     Như vậy, những vùng đất sát nách nội thành hay đất nông nghiệp như quận 2, Thủ Đức, Nhà Bè, có nên làm sân golf?

     Một vấn đề đáng quan tâm là cộng đồng có được hưởng lợi gì từ sân golf? Theo Công ty Công viên Cây xanh, tổng diện tích công viên hiện hữu tại thành phố khoảng 659 ha- trừ diện tích sân golf Thủ Đức. Chỉ tiêu đất công viên bình quân trên đầu người không tăng, hiện khu vực nội thành cũ (13 quận) vẫn khoảng 0,7m²/người.

     Con số này ngược với diện tích đất sân golf: 6 sân golf đã có văn bản pháp lý lên đến 1.262ha! Việc cầm gậy bước vào cửa sân golf chỉ dành cho thiểu số người có thu nhập hàng đầu trong xã hội, do đó nếu xem sân golf là công viên thật không công bằng.

     Nhưng có cách nào tổng hòa mối quan hệ này? Ông Dương Thanh kể tiếp câu chuyện từ Mỹ. Trong 23.000 sân golf của quốc gia này có hai hệ thống, loại đơn thuần kinh doanh và loại nhằm phục vụ cho cộng đồng. Sân golf cộng đồng như những công viên khổng lồ, là nơi để người dân vừa chơi golf vừa cắm trại trong những dịp nghỉ ngơi cuối tuần. Mức phí mà người chơi ở những sân golf này không đáng kể, thường lấy thu bù chi. Liệu điều này đã được tính tới trong việc quy hoạch các sân golf của thành phố?

     Là đầu tàu kinh tế cả nước, song hành với tốc độ phát triển chóng mặt, thành phố cũng cần giải quyết những vấn đề xã hội “nóng bỏng” nảy sinh như nhà đất tái định cư, nhà ở cho công nhân, nhà cho thu nhập thấp…; hoặc bệnh viện, trường học trong trạng thái thường xuyên quá tải… Giải quyết bài toán này sẽ cần đến đất đai nhưng với quỹ đất hạn hẹp như hiện nay, liệu sân golf có “ăn” mất phần lẽ ra phải dành cho an sinh xã hội?

     Đương nhiên, việc những người nông dân sau khi “nhường đất” cho sân golf sẽ ở đâu, làm nghề gì là việc rất đáng quan tâm. Vì liệu sự chăm lo chưa chu đáo đã từng xảy ra từ một số dự án đã và đang triển khai có lặp lại?

(Nguồn: sggp.org.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN