Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 979
Lượt truy cập : 7622737
TPHCM : Công Trình Chống Sạt Lở... Trôi Sông (02/04/2011)
TPHCM : Công Trình Chống Sạt Lở... Trôi Sông

Những ngày qua, tình trạng sạt lở không chỉ xảy ra ở những khu vực được cảnh báo “có nguy cơ cao” mà xảy ra ngay cả ở những công trình bờ kè đang xây dựng để chống sạt lở hoặc những khu vực xưa nay nền đất khá “êm đềm”. Không chỉ có thế, qua khảo sát mới đây của các cơ quan chức năng, một số công trình kè chống sạt lở tại TPHCM có nguy cơ tiếp tục “trôi theo con nước”…


Công trình chống sạt lở... trôi sông

     Đến thời điểm này có thể khẳng định tình trạng sạt lở bờ sông tại TPHCM ngày càng diễn biến phức tạp. Từ 2 - 3 năm trở lại đây, số vụ sạt lở xảy ra thường xuyên hơn, gây ra thiệt hại lớn. Đặc biệt, trong mùa mưa năm 2008, sạt lở bờ sông xảy ra liên tục, ngay cả khi thời tiết khá êm ả. Đầu tiên là vụ sạt lở bờ kè rạch Tôm (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) hồi tháng 5-2008, khi công trình này thi công phần mái kè.

     Tiếp đó, vụ sạt lở bờ sông khu vực bến đò Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) mới đây không chỉ “nuốt chửng” 11 căn nhà mà còn cả một công trình bờ kè đang thi công dài 80m. Điều khiến cho các cơ quan chức năng và cả chính quyền địa phương giật mình là vụ sạt lở hồi tháng 6-2008 ở bờ tả sông Sài Gòn (quận Thủ Đức) làm cuốn trôi 2.400m2 đất và 1 căn nhà mới xây dựng trị giá hàng tỷ đồng xuống sông, vì từ trước đến giờ, nền đất tại khu vực này chưa hề có dấu hiệu nào cho thấy có nguy cơ sạt lở.

     Thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được là qua khảo sát thủy văn, đo đạc địa hình, địa chất, nhóm nghiên cứu của TS Đinh Công Sản (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) đã phát hiện một vòng xoáy rất sâu dưới chân kè khu vực nhà thờ La-san Mai Thôn (quận Bình Thạnh).


     Tương tự, theo Khu Đường sông TPHCM, phía dưới chân kè sông Đồng Điền cũng đã xuất hiện một vòng xoáy lớn và nhiều vết nứt bên trên kè. Các cơ quan chức năng cảnh báo: “Nếu không gia cố, lấp các hố xoáy này kịp thời thì 2 tuyến kè trên có thể trôi theo con nước bất cứ lúc nào”.

     Ngoài ra, ngoài 36 vị trí có nguy cơ sạt lở cao đã được cảnh báo, qua khảo sát mới đây của các trạm đường sông và chính quyền địa phương đã phát hiện trên một số tuyến sông, rạch tiếp tục xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ sạt lở mới. Hiện các cơ quan chức năng đang khảo sát lại tình hình để cắm biển cảnh báo.


Cảnh báo chuyện... đã rồi

     TS Đinh Công Sản cho biết, những năm trở lại đây, nhiều tuyến sông, kênh, rạch ở các tỉnh miền Tây cũng bị sạt lở nhiều hơn, do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu toàn cầu; diện tích rừng bị chặt phá nhiều làm gia tăng hệ số chảy tràn…

     Riêng tại TPHCM, sạt lở có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn còn do những nguyên nhân khác như: khai thác cát, nạo vét lòng sông để khai thông đường thủy (cụ thể là việc nạo vét sông Soài Rạp) đã làm mất tính cân bằng của lòng sông khiến dòng chảy không còn ổn định nên xuất hiện nhiều vòng xoáy lớn.

     Đặc biệt, ngày càng có nhiều người cơi nới, xây dựng lấn chiếm sông rạch khiến nền đất vốn dĩ rất yếu nay lại chịu thêm một trọng lực lớn nên đất dễ bị tuột (đặc biệt khu vực quận Thủ Đức, Nhà Bè).

Ở một khía cạnh khác, TS Vũ Xuân Hòa (Trường ĐH Bách khoa TPHCM), Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Bách Khoa - đơn vị đã tham gia tư vấn xây dựng, thiết kế nhiều công trình chống sạt lở tại TPHCM - lý giải thêm: Trong khi dòng chảy ở các sông, kênh, rạch diễn biến ngày càng phức tạp thì lại có quá nhiều yếu tố chi phối làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật chống xói lở, đặc biệt là vấn đề kinh phí, mặt bằng và thủ tục. Có những công trình qua khảo sát cho thấy lòng sông khá phức tạp nên đơn vị tư vấn đề nghị áp dụng những giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện phức tạp của dòng chảy.


     Thế nhưng do bị khống chế về mặt kinh phí nên dự án không được thực hiện theo như ý đồ ban đầu của đơn vị tư vấn. Mặt khác, trong khi dòng chảy luôn luôn thay đổi thì thủ tục thực hiện dự án lại quá “nặng nề” nên có dự án tư vấn đã khảo sát xong đang chờ thủ tục phê duyệt thì nền đất của khu vực đã khảo sát bị tuột xuống sông, dẫn đến phải khảo sát lại. Công trình chống xói lở sông Mương Chuối (Nhà Bè) là một minh chứng.


     Chưa kể có trường hợp sau khi bờ kè được xây dựng xong, chủ đầu tư giao về cho địa phương quản lý nhưng địa phương lại để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, cơi nới, gia cố nhà cửa trong khu vực bờ kè, làm mất tính ổn định địa chất quanh khu vực công trình chống xói lở nên cũng góp phần gây xói lở kè. Có trường hợp cơ quan chức năng phát hiện nguy cơ sạt lở công trình kè nhưng thủ tục thực hiện gia cố kè quá chậm chạp nên thủ tục chưa xong, kè đã trôi mất!


Giải pháp: từ đâu?

     Có thể nói công tác dự báo sạt lở hiện nay khá lạc hậu, chỉ dự báo được nguy cơ sạt lở tại những vị trí đã xảy ra sạt lở mà không dự báo được những khu vực có nguy cơ tiềm ẩn. “Trong quá trình đi tuần tuyến, lực lượng của Khu đường sông nhìn thấy vị trí nào có bờ bị lún, nứt thì phối hợp với địa phương cắm biển cảnh báo”.


     Trong khi đó, theo các chuyên gia thì với trình độ và phương tiện hiện đại hiện nay, các đơn vị chức năng tại TPHCM thừa sức để cảnh báo một cách khoa học nguy cơ sạt lở bờ qua công tác khảo sát địa chất, địa hình, đo đạc thủy văn tương đối chính xác, bài bản. Vấn đề đặt ra là, để thực hiện công việc này phải có giải pháp về kinh phí và chủ trương.


     Trước tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng: Do TPHCM có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc nên việc chống sạt lở không thể tiếp tục thực hiện theo kiểu chắp vá, đối phó như hiện nay, để rồi cuối cùng tiền của lại trôi theo con nước.


     Đã đến lúc Nhà nước phải quy hoạch lại hệ thống sông rạch với một tầm nhìn xa hơn. Trong đó, đối với những con sông lớn (sông Sài Gòn), căn cứ vào quy hoạch phát triển, vào mục đích sử dụng trong lai sẽ thực hiện các giải pháp chống sạt lở công trình hay phi công trình một cách phù hợp nhất theo mục tiêu đề ra.


     Tại những tuyến sông rạch vừa và nhỏ khác, nếu phải thực hiện công trình chống xói lở thì không nên ép kinh phí cho dự án phải là bao nhiêu mà cái chính là phải vừa đảm bảo yếu tố kinh tế vừa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Cuối cùng, việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư đối với công trình mang tính cấp bách này, càng đơn giản sẽ càng hiệu quả!


(Nguồn: sggp.org.vn)

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 26/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 25/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 24/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 23/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 22/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 21/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 20/3/2024 (26/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 19/03/2024 (19/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 18/03/2024 (19/03/2024)
Dự báo thủy văn ngày 17/03/2024 (19/03/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN