Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 89
Lượt truy cập : 7810041
TP Hồ Chí Minh - Biến đổi khí hậu đã hiển hiện (04/04/2011)
TP Hồ Chí Minh - Biến đổi khí hậu đã hiển hiện

Cuối tuần qua, lãnh đạo UBND TPHCM đã lên đường đi dự Hội nghị về biến đổi khí hậu do Liên hiệp quốc chủ trì tại Copenhagen (Đan Mạch). Là một trong 10 thành phố trên thế giới được dự báo là sẽ chịu những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, động thái trên chứng tỏ TPHCM đã bắt đầu tham gia mạnh mẽ vào quá trình thích ứng với sự thay đổi này… Thế nhưng, biến đổi khí hậu đã hiển hiện tại TPHCM như thế nào?

Mưa: Tăng 20% so với những năm trước
     Theo những số liệu đo đạc của thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, bắt đầu từ năm 2007 đến nay, lượng mưa tại TPHCM đã tăng đến khoảng 20% so với những năm trước, với những trận mưa kỷ lục lên tới 140mm.

     Không những thế, ngay giữa mùa khô của những năm 2006, 2007 và 2008 đã thường xuyên có những cơn mưa trái mùa. Hiện nay, những cơn mưa trái mùa này ngày càng nhiều hơn, mạnh hơn. Tháng 11-2009 vừa qua, tại quận 1 đã có những cơn mưa với lượng mưa gần 135mm, còn khu vực các quận Tân Bình, Tân Phú đã có những cơn mưa với lượng mưa khoảng 129mm. Một số nơi khác trong thành phố cũng có mưa nhưng lượng mưa thấp hơn, khoảng 50-70mm.

“Trước đây, những cơn mưa như thế là rất lạ. Tuy nhiên, bây giờ chúng đã trở nên bình thường. Và mùa mưa cũng đã bắt đầu đến sớm hơn so thời gian trước kia” - thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan nhận xét.

Triều cường: Năm sau cao hơn năm trước
     Cũng theo những số liệu đo đạc của Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, từ năm 2006 trở lại đây, mực nước triều đo được tại trạm Hóa An của huyện Nhà Bè “năm sau luôn cao hơn năm trước”. Đỉnh triều tại TPHCM đã đạt đến mức kỷ lục 1,58m.

     Mưa lớn và triều cường cao đã làm cho tình trạng ngập, lụt ở TPHCM thêm trầm trọng. Tiến sĩ Hồ Long Phi, Phó ban Điều hành chương trình chống ngập của TPHCM cho biết, điều này có thể thấy rất rõ ở khu vực Bình Quới (quận Bình Thạnh) là nơi mà gần như chưa có sự can thiệp của con người vào việc phát triển hạ tầng kỹ thuật. Cách đây 10 năm, khu vực Bình Quới gần như không ngập, nay có nơi đã ngập gần 50cm khi vào đỉnh triều. Khu vực Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) trước đây khi triều cường vào, ngập chỉ khoảng 20cm, nay nhiều nơi đã ngập đến khoảng 50cm cho dù TPHCM đã đắp nhiều đê bảo vệ khu vực này.

Nắng nóng trên 35°C: Nhiều ngày hơn
     Càng ngày TPHCM càng nắng nóng hơn. Số ngày có nhiệt độ trên 35°C đang tăng mạnh. Những cơn mưa trái mùa xuất hiện trong thời gian này thường kèm theo dông bão rất nguy hiểm. Đó là nhận xét của thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan căn cứ vào số liệu đo đạc của Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ.

     Tiến sĩ Hồ Long Phi cũng nhận xét tương tự. Nếu như những năm trước năm 2000, nhiệt độ tại TPHCM có tăng nhưng tăng rất nhẹ thì từ năm 2000 trở lại đây, nhiệt độ đã tăng nhiều hơn. Những ngày oi bức, ngột ngạt đã dày hơn.

     Thực ra vẫn còn một số người băn khoăn: liệu sự thất thường của thời tiết tại TPHCM có phải do biến đổi khí hậu gây ra? Hay còn do một nguyên nhân khác như quá trình đô thị hóa chẳng hạn? Tuy nhiên, nếu suy nghĩ như vậy thì phải lý giải như thế nào về tình trạng ngập, lụt, mưa trái mùa, nắng nóng cũng đang diễn ra tại khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận? Rõ ràng, biến đổi khí hậu là tác nhân chính gây ra sự thất thường của thời tiết. Tất nhiên, quá trình đô thị hóa cũng góp phần vào quá trình này theo hướng làm trầm trọng hơn sự khắc nghiệt của thời tiết, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan khẳng định. Nói tóm lại: biến đổi khí hậu đã hiển hiện rất rõ tại TPHCM.



Theo Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM, đoàn TPHCM sẽ tham dự Hội nghị Copenhagen với 3 nội dung chính: trao đổi kế hoạch, học tập kinh nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu với các đô thị lớn trên thế giới; liên kết đào tạo cán bộ có khả năng thực hiện các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu; tìm kiếm sự hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và tài chính để thích ứng với biến đổi khí hậu với nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện tại TPHCM đã cơ bản xây dựng xong kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, từng sở ngành sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trong chức trách của mình. Cụ thể, Sở Tài nguyên-Môi trường thực hiện chương trình xử lý rác; lên kế hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước… Sở Giao thông Vận tải đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế xe cá nhân, giảm phát thải khói xe… Sở Xây dựng, khuyến khích xây dựng công trình sinh thái… Sở Quy hoạch-Kiến trúc đưa nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào các đồ án quy hoạch…


(Nguồn: sggp.org.vn)

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 14/5/2024 (15/05/2024)
Dự báo thủy văn ngày 13/5/2024 (15/05/2024)
Dự báo thủy văn ngày 12/5/2024 (15/05/2024)
Dự báo thủy văn ngày 11/5/2024 (15/05/2024)
Dự báo thủy văn ngày 16/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 15/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 14/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 13/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 12/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 11/04/2024 (16/04/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN