Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 983
Lượt truy cập : 7701652
Tiếng kêu từ cánh đồng "chết" (23/02/2011)
Tiếng kêu từ cánh đồng "chết"

Trời tháng bảy, những cơn mưa dầm không ngớt hạt. Đây cũng là thời điểm cánh nông dân ngoại thành và vùng ven TPHCM bắt đầu xuống giống cho mùa lúa chính vụ. Thế nhưng điều đó đối với những người “vốn nghiệp nông gia” ở đây không còn ý nghĩa. Họ không đợi chờ. Vì với họ, ngày mùa xuống giống dường như đã đi vào lãng quên từ năm, bảy năm nay…

Ruộng “chết”, cỏ được mùa

Chỉ tay về cánh đồng ruộng đầy cỏ hoang, ông Ba Mường, ở ấp 4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, nuối tiếc: “Cánh đồng hàng trăm hécta này đã bị bỏ hoang từ năm, sáu năm nay rồi. Không ai cấy hái, gieo sạ gì cả, mặc dù đất ở đây được phù sa sông Sài Gòn bồi đắp tốt lắm…”. Nói rồi, ông bùi ngùi kể lại quang cảnh ngày mùa của quê ông: “Nếu chú đến vào những ngày này năm, sáu năm trước, không khí của ngày mùa ở đây vui chắc không nơi nào bằng. Người cày, kẻ cấy khắp đồng cạn lẫn đồng sâu, chỗ nào cũng nhộn nhịp…”.

Dù ông Ba Mường kể tỉ mỉ nhưng tôi cũng không thể hình dung ra cánh đồng đầy cỏ hoang trước mắt lại từng là cánh đồng lúa xanh mướt ngày nào. Cô Nguyễn Thị Gái, người láng giềng với ông Ba Mường cũng có gần 2ha đất ở cánh đồng “chết” này thì cho rằng, dân trồng lúa thất mùa vì nước của con rạch Dừa bị ô nhiễm nặng do các nhà máy, xí nghiệp thải ra từ đầu nguồn. Lúa trồng cứ thế chết dần, mùa này qua mùa kia, riết rồi nông dân nản quá bỏ luôn thành ruộng hoang.

Cũng trong cảnh “đồng không mông quạnh”, bỏ mặc cho năn, cỏ mọc um tùm là cánh đồng thuộc ấp 1, xã Đông Thạnh. “Đất ruộng ở đây tốt lắm, cứ cắm cây gì xuống là chắc ăn cây đó” – bác Tư Trình lý giải tiếp: “Vậy mà người ta vẫn bỏ ruộng hoang là do trồng lúa không còn lời cao. Ban đầu, một người bỏ hoang, sau, cứ lan dần, riết rồi cả xóm, cả ấp cũng đồng loạt bỏ. Mà cháu biết đó, ruộng bỏ hoang là chuột đồng, cào cào, châu chấu… làm ổ”.

Có lẽ vì cả đời chỉ biết sống dựa vào nghề nông nên 5 năm nay, trước thực trạng trên, gia đình ông Tư Trình liên tục chuyển đổi cây trồng từ lúa sang sen, dứa thơm, rồi lại quay sang lúa, cây ăn trái… Nhưng rồi cuối cùng cũng phải… chào thua. Cả đời gắn bó với cây lúa nhưng nay, ở cái tuổi gần 80, ông Tư Trình – dù vẫn khỏe mạnh – phải ngậm ngùi tiếc cho 2,6ha ruộng của ông trong cảnh hoang hóa mà không còn giải pháp nào để cứu chữa.

Hình ảnh những thửa ruộng hoang nối tiếp nhau chạy dài tít tắp không chỉ xảy ra ở Đông Thạnh, Hóc Môn mà những trảng cỏ hoang dại, dứa gai, lục bình… còn kéo dài đến cả phường Thới An, quận 12. Mang danh là phường, nhưng thực chất đất nông nghiệp ở đây còn mênh mông.

Tại vùng bưng tiếp giáp với xã Đông Thạnh, Nhị Bình, hàng trăm hécta đất nông nghiệp bỏ hoang. Ông Nguyễn Văn Thà, người mà dân địa phương thường gọi là Hai Ruộng cũng mang tâm trạng luyến tiếc cho những thửa ruộng của mình đang nhường bước cho cỏ dại.

Lục lại quá khứ, ông nhắc: “Hồi chưa thành lập phường, quãng thời gian năm 1997, có người nào trồng lúa qua được tui? Cứ mỗi năm 3 vụ, bình quân 2ha vụ nào cũng thu về 600 - 700 giạ lúa. Ngày mùa, lúa về chất đầy nhà, đầy sân thấy mà bắt ham. Còn giờ đây, thành dân đô thị, ruộng bỏ hoang, sắp trẻ thì vào nhà xưởng, xí nghiệp không trách đã đành, còn ngữ trung niên cũng gác cuốc, gác cày đi buôn tần bán tảo, tiền chẳng là bao nhưng không hiểu sao họ không về với đồng ruộng?”.

Không khác gì ở Hóc Môn hay quận 12, những cánh đồng ở các xã Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Tân Phú Trung, Phú Hòa Đông… thuộc huyện Củ Chi vốn đầy phù sa cũng đang chết mòn.

Để cứu vãn “làn sóng” quay lưng với đồng ruộng, chính quyền địa phương đã mở rộng hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng chạy dọc các cánh đồng. Thế nhưng, những con đường rút ngắn khoảng cách giữa đồng cạn, đồng sâu ra đời vẫn “vô tác dụng” trước người nông dân vốn không còn “thiết tha, lưu luyến” gì với ruộng lúa.

Bác Nguyễn Văn Mia, ở ấp 3, Tân Thạnh Tây được người dân trong xã thường gọi là bác Năm tri điền, vì gia đình có truyền thống làm ruộng được xếp vào bậc nhất ở đây, giờ cũng phải nói lời chia tay với ruộng lúa - vốn đã nuôi nấng gia đình ông suốt bao đời nay.

Bác Năm khẳng định: “Lúa ở đây làm không có ăn nữa, phải chuyển đổi hướng canh tác khác. Còn cây gì, vốn liếng ra sao thì cần phải được sự hỗ trợ, tư vấn từ nhà nước và ngành nông nghiệp. Chứ đất này trồng lúa không còn sinh ra tiền, mà đô thị hóa thì phải chờ đến hàng chục năm sau. Chẳng lẽ cứ bỏ đất chết thế này thêm hàng chục năm nữa?”.

Đất hoang hóa đang lấn dần và vươn ra mỗi lúc một rộng hơn. Chúng tôi đến cánh đồng Bàu Cò, xã Tân Thạnh Đông; cánh đồng Cây Da, xã Tân Phú Trung; cánh đồng Bến Mương xã Phú Hòa Đông… huyện Củ Chi thấy những nơi này cũng đang tràn ngập trong năn, cỏ. Mùa nắng không còn cây gì sống nổi, chỉ khi xuất hiện những trận mưa đầu mùa thì màu xanh mới kéo về trên những cánh đồng hoang này. Nhưng đó cũng chỉ là màu xanh của dứa gai, của năn, của cỏ dại...

Thay áo cho cánh đồng hoang

Lời giải thích của những lão nông cả đời sống nhờ vào cây lúa, hạt thóc ở đồng ruộng không phải là không có cơ sở. Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Sĩ và Nguyễn Anh Khoa - Trường Đại học Nông Lâm TPHCM - trong lần về đây hướng dẫn cách phát triển đồng cỏ gắn với chăn nuôi cho bà con, nhìn nhận: “Đất ở đây tốt nhưng cây lúa không còn chỗ đứng nữa. Trước mắt người nông dân nên biến cánh đồng lúa thành cánh đồng cỏ để phục vụ cho đàn bò sữa. Vì việc trồng cỏ hiện nay có thể mang về lợi nhuận gấp 10-20 lần trồng lúa.

Hơn nữa, công sức, vốn liếng bỏ ra cũng không quá nhiều như trồng lúa trước đây. Nhưng trồng cỏ cũng phải được lên kế hoạch bài bản. Trồng loại cỏ gì, trồng thế nào thì người nông dân phải được tư vấn, hướng dẫn. Nếu trồng tràn lan, tùy tiện mạnh ai nấy trồng theo kiểu của mình thì vài ba năm tới, đất này sẽ chết thêm lần nữa, không cải tạo lại được...”.

Tui biết dân ở đây đang phó mặc hết, chờ quy hoạch, chờ Nhà nước mang phố xá về để họ bán đất xây nhà. Nhưng chuyện đó còn xa lắm, biết đến bao giờ...

Ông Năm Hia, “chuyên gia” nuôi trâu lấy thịt trong huyện Củ Chi chọn những cánh đồng này làm nơi “đóng quân” cho đàn trâu, góp thêm ý kiến: “Dù có thủy lợi nạo vét kênh mương, dù có hệ thống đường sá nội đồng chia ngang, cắt dọc hoàn thiện thế nào đi chăng nữa thì cũng không kéo được người nông dân ra ruộng vào ngày mùa. Có cơ sở hạ tầng tốt, sao không nghĩ đến cây khác: chẳng hạn như cây cỏ, cây rau hay cây hoa kiểng… Nhất là trong thời điểm hiện nay, con bò sữa đang phát triển, rồi tiếp đến là bò thịt, trâu thịt, dê… tất cả chúng đang cần những trảng cỏ mênh mông như thế này. Người dân ở đây giờ chăn nuôi không còn manh mún, lẻ tẻ như trước đây nữa. Họ đủ sức nuôi với quy mô kiểu trang trại, bầy, đàn mà đồng cỏ có rồi thì xem như thắng lợi đến 80%. Nhưng chuyện này, một vài nông dân không thể làm xuể. Phải có sự tiếp sức từ nhiều phía…”.

Nắng chiều sắp khuất, ông Ba Mường ở Đông Thạnh lại đạp chiếc xe đạp cọc cạch ra thăm đồng ruộng hoang của mình. Ông dõi mắt về phía cánh đồng xa ngút ngàn đầy năn, cỏ dại, rồi ước ao: “Phải chi có được ít vốn, tui sẽ lên đất trồng cây ăn trái, lập vườn hoa kiểng. Còn các con mương sẽ kết hợp nuôi cá, chắc chắn sẽ thu được lợi chứ cứ để mặc cho năn, cỏ mọc thế này thì chẳng bao lâu đất sẽ chết thật. Tui biết dân ở đây đang phó mặc hết, chờ quy hoạch, chờ Nhà nước mang phố xá về để họ bán đất xây nhà. Nhưng chuyện đó còn xa lắm, biết đến bao giờ?”.

Chia tay với những người nông dân một nắng hai sương, với những cánh đồng cỏ dại, tôi chợt nhớ đến một câu trong bài hát dặm mà ông bà ta ngày xưa thường hát: “Biết đến bao giờ có trâu để cày, có ruộng để bừa…”, mà giờ thấy tiếc cho những con trâu đang… ngồi chơi xơi nước, những bờ ruộng vắng dấu chân người.

Nếu tính lợi nhuận theo chủ trương của thành phố đề ra là 100 triệu đồng/ha/năm thì mỗi năm ở những dải đất bỏ hoang này, người nông dân sẽ mất đi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Bỏ ruộng nhưng người nông dân vẫn ngày đêm canh cánh trông về cánh đồng hoang - nơi có những thửa ruộng của họ - và mong chờ sự giúp sức, sự hỗ trợ tích cực hơn từ chính quyền.

Họ luôn trong tư thế sẵn sàng chung lưng thay “màu xanh mới” trên cánh đồng “chết”. Và chuyện cánh đồng 100 triệu đồng/ha/năm không nằm ngoài tầm với của người nông dân nơi đây nếu có một hướng đi phù hợp.

(nguồn :http://www.sggp.org.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN