Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 1120
Lượt truy cập : 7702167
Thích ứng với biến đổi khí hậu để giảm ngập (04/04/2011)
Thích ứng với biến đổi khí hậu để giảm ngập

Theo kế hoạch, trong 2 ngày 24 và 25-6-2009, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM và Đại học Quốc gia thành phố sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về “Tác động của biến đổi khí hậu đối với ngập lụt đô thị”. Đây là hội thảo được UBND TPHCM “đặt hàng” nhằm tìm ra giải pháp chống ngập lụt đô thị cho thành phố trước sự biến đổi của khí hậu toàn cầu.

Tìm biện pháp thích ứng
 
Theo Tiến sĩ Hồ Long Phi, Phó Ban điều hành chương trình chống ngập thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (sau đây viết tắt là Trung tâm), tác động của biến đổi khí hậu đối với thời tiết của TPHCM nói riêng và vùng TPHCM nói chung đang ngày một rõ nét.


Mực nước biển đo được ở Vũng Tàu đã tăng khoảng 0,8cm/năm, còn mực nước các sông, kênh của TPHCM đo được ở Phú An tăng đến 1,5cm/năm. Những cơn mưa lớn ngày một dày đặc hơn với vũ lượng trung bình năm sau cao hơn năm trước khoảng 0,8mm. Nếu trước đây cứ 5 năm mới có những cơn mưa có vũ lượng trên 100mm thì nay chỉ 3 năm đã thấy xuất hiện. Còn những cơn mưa có vũ lượng khoảng 100mm thì năm nào cũng xuất hiện.

Tất cả những điều này đang là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều nỗ lực chống ngập của TPHCM không đạt được kết quả như mong muốn. Thậm chí, với lượng nước dâng nhanh chóng như vậy, nhiều công trình chống ngập của thành phố đang xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 2012 sẽ có nguy cơ trở thành… lạc hậu ngay trong thời điểm hoàn thành. (Hầu hết công trình chống ngập đang được xây dựng của thành phố đều căn cứ vào số liệu mưa, triều cường của những năm trước-thời điểm mà tác động của biến đổi khí hậu chưa hiển hiện rõ ràng).

Đây chính là bối cảnh cho việc tổ chức hội thảo “Tác động của biến đổi khí hậu đối với ngập lụt đô thị” do Trung tâm và Đại học Quốc gia thành phố tổ chức. UBND TPHCM kỳ vọng, qua hội thảo quốc tế này, TPHCM sẽ tìm được lời giải cho việc chống ngập lụt đô thị trong thời kỳ biến đổi khí hậu toàn cầu. 
 


Tuy nhiên, Tiến sĩ Hồ Long Phi cũng cho rằng, không phải đợi đến hội thảo các nhà khoa học mới có điều kiện trình bày quan điểm của mình. Hiện nay nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã khẳng định, chỉ có một con đường hữu hiệu để giải quyết hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu là hạn chế tác nhân gây ra biến đổi khí hậu và nếu nó đã xảy ra thì tìm cách thích ứng với nó chứ không nên chống lại.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Hồ Long Phi, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa quyết định tham gia tổ chức C40 (tổ chức của các thành phố lớn trên thế giới tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu).

Nguyên tắc hoạt động của tổ chức C40 là ngăn ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tham gia tổ chức này, chứng tỏ TPHCM cũng đồng quan điểm với nhiều nước trên thế giới trước nguy cơ biến đổi khí hậu. Và hội thảo được tổ chức với mục đích biến chủ trương thành hành động cụ thể cho thành phố.
 
Sống thân thiện với môi trường

 
UBND TPHCM vừa giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, đây sẽ là một bản đề án tổng hợp liên quan đến nhiều sở, ngành, địa phương và từng người dân. Trong đó chủ yếu đề cập đến những giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu khí thải-nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Đó là việc phát triển giao thông xanh, xây dựng tòa nhà sinh thái, đổi mới công nghệ trong sản xuất để hạn chế chất thải ra môi trường...


Điều này có vẻ xa vời đối với công tác chống ngập nhưng thực ra nó có quan hệ rất gần gũi và thậm chí theo Tiến sĩ Hồ Long Phi, ở góc độ kinh tế, nó còn hiệu quả hơn giải pháp “đợi” quá trình biến đổi khí hậu diễn ra mới tìm cách thích ứng. Dự kiến hơn một tháng nữa, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ hoàn thành đề án này.

Còn hiện nay, hiện tượng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ở TPHCM. Thích ứng với nó như thế nào để giải quyết tình trạng ngập lụt ở TPHCM? Theo Tiến sĩ Hồ Long Phi, cho đến thời điểm này, chưa ai có thể tính toán trước được hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ diễn biến ra sao. Do vậy, nếu chỉ chọn các giải pháp công trình như xây đập, cống thoát nước… thì nhiều khả năng thành phố sẽ rơi vào tình huống như hiện nay, đó là cống chưa xây xong đã có nguy cơ lạc hậu trước mực nước dâng.

Giải pháp công trình sẽ chỉ là một trong những giải pháp chống ngập cho thành phố và đồng hành theo nó phải là hàng loạt giải pháp ứng phó linh hoạt, mềm dẻo. Những giải pháp ấy có thể là làm hồ điều tiết nước trong từng cụm dân cư; vận động người dân xây các bể chứa nước mưa tại nhà hoặc không nên bê tông hóa toàn bộ sân vườn để cho nước mưa thấm xuống nước…

Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt cũng cho rằng, linh hoạt, mềm dẻo thích ứng với biến đổi khí hậu như vậy là hợp lý. Ông khẳng định, năng lượng của một trận bão to có thể lớn gấp nhiều lần năng lượng của một trái bom nguyên tử. Hãy sống thân thiện và thích ứng với thiên nhiên và điều này nên là phương châm ứng xử trong công tác chống ngập của TPHCM.

Ứng phó hôm nay sẽ giảm thiệt hại trong tương lai

Ngày 2-12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 158/2008/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, các nguyên tắc cơ bản của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu là:

-Ứng phó trên nguyên tắc phát triển bền vững, đảm bảo tính hệ thống, tổng hợp, ngành, vùng, bình đẳng về giới, xóa đói, giảm nghèo.

-Các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng lâu dài. Đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu là yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững, ứng phó hôm nay sẽ giảm được thiệt hại trong tương lai.

-Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội.

-Các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, các địa phương, được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật và được quán triệt trong tổ chức thực hiện.

-Triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu theo nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” được xác định trong Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu.

AN NHIÊN (lược ghi)



nguồn:http://www.sggp.org.vn

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 16/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 15/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 14/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 13/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 12/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 11/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 10/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 09/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 08/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 07/04/2024 (16/04/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN