Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 329
Lượt truy cập : 7703677
Thi Công Các Công Trình Chống Ngập: Làm Có Trọng Tâm Sẽ Không Gây Kẹt Xe (02/04/2011)
Thi Công Các Công Trình Chống Ngập: Làm Có Trọng Tâm Sẽ Không Gây Kẹt Xe

Khách quan mà nói, giải pháp này không mới. Nhiều cấp, nhiều ngành đã từng tuyên bố: đầu tư có trọng tâm, thế nhưng chẳng mấy khi làm được hoặc làm nhưng không đem lại kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, Giáo sư Hồ Long Phi (ảnh), giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Phó Chủ tịch Ban điều phối chống ngập TPHCM vẫn kiên trì nói như vậy khi đề cập đến việc triển khai thực hiện quy hoạch chống ngập trên địa bàn thành phố. Tại sao?

Mỗi năm chỉ “tiêu hóa” được khoảng 1.000 tỷ đồng


          -Việc này sẽ được thực hiện như thế nào khi mà ở hầu hết các quận, huyện bị ngập, người dân đều nóng lòng… thoát ngập?

          -Sống “chung” với ngập quả là không dễ chịu chút nào, nhất là khi nước ngập đều bị ô nhiễm bởi rác, bởi bùn và hàng loạt những chất thải khác. Thế nhưng, nếu triển khai ồ ạt các dự án chống ngập trong điều kiện thiếu cán bộ có năng lực để thực hiện, thủ tục đầu tư còn phức tạp… thì nhiều khi “lợi bất cập hại”.

Hiện nay nhiều dự án chống ngập lớn của thành phố đều đã xác định được nguồn vốn: dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè được Ngân hàng Thế giới cho vay gần 200 triệu USD để thực hiện, dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé sử dụng vốn ODA của Nhật… trị giá lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, các dự án này chỉ “tiêu hóa” được khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Công trình bày ra rồi thi công chậm trễ đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé là những ví dụ.

Rõ ràng đây là những dự án thoát nước có ý nghĩa rất lớn đối với thành phố, nhưng trong con mắt của nhiều người thì những rào chắn để thi công dự án lại là những “lô cốt” làm kẹt xe. Như vậy, vấn đề ở đây là phải biết tổ chức thi công, chọn đâu là trọng tâm để làm trước nhằm hạn chế đến mức tối đa những tác động xấu đến cuộc sống người dân.

          -Làm thế nào để xác định các công trình trọng tâm khi mà ngập ở đâu cũng trầm trọng, thưa giáo sư?


          -Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 xác định 6 lưu vực thoát nước cho thành phố. Đó là vùng trung tâm gồm các quận 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11, Phú Nhuận và một phần các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình với các kênh, rạch chính trong lưu vực là Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé; vùng phía Bắc gồm một phần của quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Chánh và huyện Hóc Môn với các kênh, rạch chính là Tham Lương - Bến Cát, Bến Đá - rạch Bà Hồng; vùng phía Tây gồm một phần các quận 6, 8, Tân Bình, Bình Chánh với các kênh, rạch chính như Rạch Chùa, Nước Lên; vùng phía Nam gồm một phần các quận 7, 8, Bình Chánh, Nhà Bè với kênh, rạch chính là Đôi - Tẻ; vùng Đông - Bắc gồm một phần quận 9 và Thủ Đức; vùng Đông - Nam gồm một phần của quận 2, 9 và Thủ Đức.

Trong 6 lưu vực này thì lưu vực vùng trung tâm là quan trọng nhất bởi nơi đây tập trung nhiều dân cư, là trung tâm kinh tế, văn hóa của thành phố. Trong khu vực trung tâm, ngập nặng nhất là lưu vực Hàng Bàng vì nơi đây tập trung tới 30 điểm ngập của thành phố. Do vậy, trước mắt nên tập trung chống ngập cho khu vực này.

 Phối hợp nhịp nhàng sẽ hạn chế kẹt xe


          -
Trên thực tế, thành phố đã triển khai hàng loạt dự án xóa ngập cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé… trong khi đó việc chống ngập cho lưu vực Hàng Bàng mới trong giai đoạn chuẩn bị?


          -Việc chống ngập cho lưu vực Hàng Bàng đã được tính đến từ lâu nhưng do chưa có tiền, việc triển khai nghiên cứu có một số trục trặc nên công trình chưa được triển khai. Tuy nhiên, theo tôi được biết, thành phố đã tìm được nguồn vốn vay từ Nhật Bản để thực hiện dự án này. Hiện nay, Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây và Cải thiện môi trường nước đã được giao nhiệm vụ triển khai dự án.

          Cái khó là từ trước đến nay, việc chống ngập được giao cho nhiều sở, ngành khác nhau: Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Công chính, Sở Xây dựng và có lúc còn giao cho cả Sở Tài nguyên - Môi trường…

          Các sở, ngành này tùy theo khả năng được sắp xếp nguồn vốn mà triển khai các dự án chống ngập nên nhiều khi chưa được nhịp nhàng với nhau. Thành phố dường như cũng đã nhìn thấy điều này và chắc không phải ngẫu nhiên mà thành phố ra quyết định thành lập Trung tâm điều hành công tác chống ngập để điều phối công tác chống ngập hiệu quả hơn.

          -Làm sao điều phối công tác chống ngập hợp lý hơn như ông nói khi mà hàng loạt các dự án chống ngập đã được triển khai? Những người thực hiện dự án đang bị áp lực phải triển khai đúng kế hoạch, chẳng thể dừng để đợi sắp xếp lại?


          -Các dự án chống ngập đang được triển khai hiện nay cũng rất cần thiết đối với thành phố. Vấn đề là các đơn vị triển khai dự án phải ngồi lại với nhau để bàn việc phối hợp thực hiện. Ví dụ, dự án chống ngập cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đào đường ở khu vực A thì dự án chống ngập cho lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé sẽ đào đường ở một khu vực khác không là đường “thoát” của các dòng xe trong khu vực A.

Thậm chí, nên chăng cô lập cả một khu vực, chỉ cho người dân trong khu vực đó lưu thông, còn lại tập chung cho công tác thi công lắp đặt cống thoát nước. Tất nhiên, để làm được điều này đòi hỏi Sở Giao thông Công chính phải tính toán thật kỹ khi cho phép đào đường, và các ban ngành liên quan phải tạo điều kiện cho nhà thầu giải quyết nhanh việc di dời hạ tầng kỹ thuật để có mặt bằng thi công.

Chống triều ở những khu vực trọng yếu


          -Ngập ở TPHCM thường do mưa, triều cường và lũ. Các dự án chống ngập cho khu vực trung tâm hầu hết đều là chống ngập do mưa. Như vậy, nếu chỉ triển khai trước các dự án chống ngập do mưa ở khu vực trung tâm thì liệu có giải quyết được tình trạng ngập cho thành phố.

          -Hoàn tất các dự án thoát nước trong khu vực trung tâm thành phố cũng đã giải quyết được khoảng 80% tình trạng ngập của thành phố. Tuy nhiên, nếu muốn giải quyết ngập căn cơ cho thành phố thì về lâu dài phải triển khai thực hiện những giải pháp làm đê bao chống triều và lũ do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang nghiên cứu. Trước mắt, để hạn chế triều dâng gây ngập thì thành phố có thể làm một số đoạn đê bao ở những khu vực trọng yếu như Mương Chuối, Cần Giuộc…

          -Hầu hết các kênh, rạch trong thành phố đều liên thông với nhau, nếu giải quyết ngập cho khu vực này mà chưa giải quyết ngập cho khu vực liên thông thì liệu có mang lại hiệu quả như mong muốn?

            Về cơ bản, các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tham Lương - Bến Cát… khá tách bạch với nhau.


          Tuy nhiên, ở phía hạ lưu của kênh Tân Hóa - Lò Gốm, rạch Hàng Bàng có một chút liên thông với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Đã có một số ý kiến lo ngại nếu việc cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé xong trước kênh Tân Hóa - Lò Gốm hoặc rạch Hàng Bàng thì hiệu quả tiêu thoát nước của kênh Tàu Hủ - Bến Nghé sẽ bị ảnh hưởng do nước từ các kênh kia dềnh lên. Tuy nhiên, vẫn có thể khắc phục điều này bằng cách mở rộng một số kênh ngang nối kênh Tàu Hủ ra kênh Đôi để đẩy nước ra đây.


(Nguồn: sggp.org.vn)

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 16/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 15/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 14/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 13/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 12/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 11/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 10/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 09/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 08/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 07/04/2024 (16/04/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN