Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 155
Lượt truy cập : 7719150
Tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam (04/04/2011)
Tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Trong các ngày thảo luận các văn kiện tại Đại hội lần thứ XI của Đảng (ở tổ và cả ở hội trường), vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2020 đã trở thành một trong những chủ đề được các đại biểu quan tâm. Đây được xem là một trong những vấn đề cốt yếu trong quá trình phát triển của đất nước, bởi nước ta hiện có khoảng 2/3 dân số là nông dân, làm ăn từ các ngành nông nghiệp.


Quy hoạch lại các vùng sản xuất

Nhiều ý kiến tại đại hội đều cho rằng, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH không phải vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo được sự biến đổi về chất lượng, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; là nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương hợp tác lao động. Đặc biệt, nông dân phải thực sự trở thành chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới, đồng nghĩa với việc phát triển nông thôn, nông nghiệp đất nước, ngày một nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho tầng lớp nông dân trong quá trình CNH-HĐH đất nước.

Muốn làm được điều đó, theo đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, trước hết phải tập trung công tác quy hoạch nông thôn, quy hoạch các vùng sản xuất. Có quy hoạch phù hợp mới có cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện đại theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tạo thuận lợi cho phân công lao động theo cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có khối lượng, chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu để giải phóng triệt để sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, tiến tới phân công lao động “ai giỏi nghề gì, việc gì thì làm nghề đó, việc đó” đối với nông dân ngay tại bản, làng, thôn, xóm nơi sinh sống. “Nếu không chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao mức sống nông dân thì nông dân không thể nào phát huy được vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, trong xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ, giải pháp này cũng là điều kiện tiên quyết để hình thành các hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đầu tư vốn, lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia trại, trang trại chuyên canh, đa canh, trang trại tổng hợp. Sản xuất có kiến thức, có khoa học kỹ thuật, có hạch toán kinh tế, gắn sản xuất với thị trường, hướng mạnh vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu” – đồng chí Nguyễn Quốc Cường phân tích.

Tăng vai trò người nông dân


Quá trình tham gia hội nhập kinh tế thế giới, xét ở khía cạnh lao động và nông nghiệp, sức mạnh của người dân nông thôn Việt Nam có thể là một hiện tượng nổi bật. Mặc dù đóng góp của nông nghiệp trong GDP của đất nước chỉ dao động ở mức 20% và đóng góp cho xuất khẩu khoảng 23%, nhưng hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp thể hiện bằng chỉ số hiệu quả đồng vốn cao hơn hẳn so với các ngành khác và xuất khẩu nông sản là một trong rất ít ngành kinh tế xuất siêu trong thương mại. Việt Nam hiện đang dẫn đầu về xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều; gạo, cà phê đứng thứ 2; cao su đứng thứ 3 trên thế giới... Rõ ràng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam do nông dân làm ra đã góp phần nâng cao vị thế quốc gia nước ta trên trường quốc tế về mặt kinh tế.

Trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng rộng, đã có những luật chơi không công bằng của hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ và được trợ cấp dồi dào ở các quốc gia phát triển đang cạnh tranh gay gắt với nông nghiệp, nông dân và kinh tế nông thôn Việt Nam. Đó là chưa kể những ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bất ổn của thị trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, những rủi ro trong đời sống, sản xuất. Chính vì thế, theo đồng chí Nguyễn Quốc Cường: “Nông dân Việt Nam hiện nay đã tự nhận thức được rằng, cách duy nhất để đứng vững trong cơ chế thị trường và làm giàu cho gia đình, cho quê hương, đất nước là phải thực hiện thắng lợi CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn”. Theo ông, nông dân Việt Nam trong thời kỳ mới sẽ hội đủ 3 yếu tố sau: Trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; là lực lượng chính trị - xã hội vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng; là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn.

“Thời gian qua chúng tôi đã vận động người dân đóng góp diện tích ruộng, vườn, phá vỡ hàng rào để làm kênh mương, đường nội đồng, đường thôn xóm to hơn, để xe cứu hỏa, xe cứu thương có thể vào được, đó là một nét văn minh đã làm được. Người dân tham gia vào xã hội hóa làm nước sạch, góp tiền với nhau, rồi có thể có một chủ doanh nghiệp đứng ra làm nước sạch. Nhờ xã hội hóa huy động sức dân mà bộ mặt nông thôn dần đổi mới. Đây là việc làm dài hơi, có thể phải vài chục năm nữa mới xong, nhưng chúng ta phải làm ngay và làm từ thấp đến cao” - đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, cho biết.


nguồn:http://sggp.org.vn

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN