Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 1036
Lượt truy cập : 7701911
Sản Xuất Theo Phong Trào: Bài Học Chưa Bao Giờ Cũ (23/02/2011)
Sản Xuất Theo Phong Trào: Bài Học Chưa Bao Giờ Cũ

Bài I: Nhà nông chơi vơi

Sự biến động của thị trường cùng với nhu cầu phát triển nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến đã tạo cơ hội cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và làm giàu. Tuy nhiên, vì thiếu thông tin, tầm nhìn và chưa được hỗ trợ đầy đủ mà nông dân luôn phải “chạy theo thị trường” để rồi chán nản và đứng trước nguy cơ mất trắng.

Những câu chuyệnbuồn

Dù đã qua vụ thu hoạch dưa, nhưng bà con ở huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) vẫn chưa hết "choáng" trước việc giá dưa xuống thấp kỷ lục. Vợ chồng anh Đào Sanh Mít ở thôn An Long 2 (xã Canh Vinh) cho hay: “Các năm trước, đầu vụ thu hoạch giá dưa ở mức 3.500 - 4.000 đồng/kg, nhưng năm nay chưa được phân nửa!”. 5 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) đất và hơn 1.500 gốc dưa đã đem lại cho gia đình anh hơn 10 tấn quả. Chưa kịp vui vì dưa được mùa, anh đã “hoa mắt” khi nghe thương lái hô giá: 1.400 đồng/kg dưa loại I, 900 đồng/kg dưa loại II, 500 đồng/kg dưa loại III. Ông Lê Đình Sang, Trưởng thôn An Long cho biết: “Do vụ dưa năm ngoái, được mùa, giá lại cao, nên rất nhiều người đổ xô trồng dưa. Nhưng năm nay, thị trường Trung Quốc không hút hàng nên giá dưa tụt giảm nhanh chóng. Vụ dưa này, thôn An Long có 25ha đất trồng dưa với sản lượng khoảng 1.000 tấn, nhưng với mức giá thấp như hiện nay thì người trồng dưa chỉ có thể từ hoà đến lỗ vốn”. Theo ông Hồ Ngọc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định: "Năm 2007, tỉnh có trên 700ha dưa hấu được trồng tại các huyện Tây Sơn, Phù Mỹ, Vân Canh, Phù Cát, Hoài Ân, Hoài Nhơn. Đây là loại cây trồng rất nhạy cảm với thị trường, nếu đầu ra thuận lợi, giá dưa rất cao, nhưng cũng có khi giá thấp do thị trường ứ đọng. Hiện nay, kênh tiêu thụ dưa hấu chủ yếu là ở các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc, nhưng thị trường này luôn biến động, giá cả bấp bênh. Đây có thể coi là nguyên nhân dẫn đến sự thất thu chính của bà con, nhưng còn nguyên nhân sâu xa hơn mà ít ai tính đến, đó là thiếu sự phân tích, tính toán của các cấp lãnh đạo cũng như người trồng".

Thời gian qua, do sản xuất nông nghiệp truyền thống kém hiệu quả nên Cà Mau cũng như nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang...) lần lượt chuyển một phần diện tích đất lúa năng suất thấp sang nuôi tôm, trồng mía, hình thành phong trào chuyển dịch rộng khắp. Ông Lê Văn Tiến (Hòa Bình - Bạc Liêu) vốn được xem là triệu phú với nguồn lợi từ 5,7ha tôm. Thế nhưng năm qua đã có 8/14 ao tôm bỏ trống vì không đủ tiền đầu tư giống, trận “bão bệnh đốm trắng” đã càn quét tất cả các ao tôm khiến ông mất trắng và lâm vào cảnh nợ nần. Ông Trần Nghiệp Đoàn, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình) cho biết, nợ xấu đã tăng nhanh kể từ khi phong trào nuôi tôm bắt đầu “nóng”. Hàng loạt hộ nuôi không đảm bảo kỹ thuật nên tôm chết nhiều. Người dân nóng lòng muốn gỡ lại để trả nợ ngân hàng nên tiếp tục xuống giống, bất chấp lịch thời vụ của ngành thuỷ sản. Điều này đã làm môi trường nước ngày càng ô nhiễm, thiệt hại càng cao.


Từ năm 2004, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đã khuyến khích nông dân các xã Sa Bình, Sa Sơn, Sa Nghĩa, Ya Xiar trồng hơn 30ha dứa Cayen. Nhưng hơn 3 năm qua, dứa đã không mang lại lợi ích, khiến người trồng lao đao. Ông Phan Thanh Tứ ở Sa Sơn lo lắng trước khoản nợ 25 triệu đồng vì... dứa, ông chua xót: “Ngay khi có chủ trương đưa dứa về trồng, đa số người dân đã không mặn mà nhưng xã vận động, là cán bộ, đảng viên nên phải gương mẫu. Tôi là người chấp hành tốt nhất, trồng 1,6ha với gần 50.000 cây. Dứa giống được Phòng Kinh tế huyện bán với giá 550 đồng/cây. Không có tiền, tôi phải vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả, nay vẫn nợ 15 triệu đồng tiền giống”. Ông Trần Văn Định, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sa Sơn cho biết: “Trước đây có hơn 10 hộ nhận trồng 3,8ha, nhưng nay chỉ còn 3 gia đình tiếp tục trồng”. Lý do ông đưa ra là dứa Cayen không phù hợp với vùng đất cao dốc, bạc màu, vào mùa khô không đủ nước tưới nên cây héo khô, không sinh trưởng được. Điều đáng nói là trước khi trồng, Phòng Kinh tế huyện đã cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy cơ quan, đơn vị nào đến hỏi mua!

Những chuyện buồn như trên còn nhiều, không kể hết.


Vẫn là “lỗi”... tư duy?


Còn nhớ năm 2006, giá mía đường đột ngột tăng cao, lợi nhuận hấp dẫn khiến cho nhiều nông dân ở Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau... đốn nhãn, cưa xoài, bỏ tôm để “làm bạn” với mía. Nhưng nay, khi giá tụt dốc, bà con chán nản, thờ ơ với mía. Nguyên nhân của tình trạng trên là do cung vượt cầu. Chỉ tính riêng huyện Cù Lao Dung từ 6.500ha năm 2006 đã tăng lên 8.000ha trong năm 2007. Ông Hồ Thanh Kiệt, Phó phòng Kinh tế huyện Cù Lao Dung nói rằng, huyện đã cảnh báo nhưng bà con làm ngơ. Để đối phó với sự bùng nổ diện tích mía, phòng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự liên kết với các nhà máy đường trong vùng, xúc tiến việc ký hợp đồng tiêu thụ mía cho nông dân. Tuy vậy, công suất có hạn, các nhà máy cũng chỉ tiêu thụ được 4.500ha (khoảng 60% diện tích mía toàn huyện).

Cho đến nay, các nhà máy chế biến nông sản chưa có sự gắn kết với người sản xuất nguyên liệu, cụ thể là nông dân. Sự gắn kết này theo các chuyên gia kinh tế, chỉ có được khi miếng bánh lợi nhuận được phân chia hài hoà và công khai trên cơ sở cùng có lợi, hướng tới một mục tiêu chung. Mặt khác cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, phần lỗi thuộc về nông dân do tính nóng vội, không nắm bắt, phân tích thông tin đầy đủ, kịp thời, chưa nghiêm chỉnh thực hiện sản xuất theo quy hoạch. Trong tổ chức sản xuất, họ cũng thường chủ quan, chủ yếu làm theo kinh nghiệm, chưa tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, còn giữ cung cách làm ăn theo kiểu cũ, chỉ lo chạy theo giá bán mà chưa biết tận dụng khai thác lợi thế riêng của mình để tăng giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều nơi, nông dân chưa được tập hợp lại, hình thành tổ chức sản xuất phù hợp để tạo sức mạnh tổng thể. Do vậy, thiếu sự đầu tư chiều sâu trong chế biến, bảo quản, thay đổi giống mới để sản phẩm làm ra có chất lượng cao hơn, đủ sức cạnh tranh.

Chủ trương chưa sát


Nguyên nhân thất bại của các phong trào không thể đổ lên đầu nông dân mà phần lớn trách nhiệm thuộc về các cấp lãnh đạo, những người giữ vai trò định hướng phát triển kinh tế cho bà con.

Lãnh đạo huyện Tân Thạnh (Long An) đã khá lúng túng vì một chủ trương chưa sát thực khiến người trồng đay bị tồn đọng hơn 20.000 tấn. Vụ đay năm 2007 là vụ mùa bội thu. Bà con trong huyện đã trồng hơn 8.800ha đay, tăng gấp 2,5 lần so với năm trước, năng suất đạt 25-30 tấn đay tươi/ha và sản lượng tăng gần gấp 3 lần so với năm 2006. Trước thành công đó, UBND tỉnh Long An chủ trương tăng diện tích trồng đay lên 10.000ha để cung ứng cho nhà máy bột giấy Phương Nam. Từ chủ trương này, huyện Thạnh Hoá đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tham gia trồng. Trong khi đó, việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nhà máy với các hộ dân chỉ tương đương với diện tích khoảng 1.000ha.

Hiện, giá đay sợi 4.000-4.500 đồng/kg, so với năm trước vẫn thấp, tất cả các chi phí công lao động, vật tư ở đầu vụ tăng 25-30%. Điều đáng nói là UBND tỉnh đưa ra chủ trương khuyến khích người dân tăng diện tích quá lớn trong khi không lường trước Nhà máy bột giấy Phương Nam có hoàn thành để kịp thời sản xuất hay không? Theo kế hoạch, Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 8/2007, nhưng sau đó lần lượt thay đổi thời gian đến tháng 01/2008, tháng 4/2008 và bây giờ là tháng 8/2008. Diện tích đay ở Long An đã dừng lại ở 8.800ha (chưa đủ so với yêu cầu đề ra), tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến người dân “khóc dở, mếu dở”.


Tình trạng chưa bám sát chủ trương, chưa coi trọng các yếu tố tự nhiên trong vấn đề quy hoạch, bố trí sản xuất gắn với việc xây dựng hạ tầng thiết yếu đã xảy ra ở nhiều địa phương. Vì vậy, nhiều quy hoạch chưa thật phù hợp điều kiện thực tế, thiếu tính ổn định và cũng có không ít quy hoạch bị động, chạy theo sau "chuyện đã rồi". Từ đó, làm suy giảm lòng tin trong công tác quy hoạch, buộc nông dân phải tự "bơi" trong cơ chế thị trường khắc nghiệt với một trình độ thấp và đầy rủi ro!

(nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN