Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 727
Lượt truy cập : 7725128
Quy trình GAP, hướng đi tất yếu - Bài 2: Điều chỉnh để hoàn thành mục tiêu (23/02/2011)
Quy trình GAP, hướng đi tất yếu - Bài 2: Điều chỉnh để hoàn thành mục tiêu

Xác định đúng đối tượng cây trồng chủ lực, không xây thêm nhà máy chế biến mà chỉ tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu,... là những giải pháp được đưa ra để thực hiện Quy hoạch phát triển sản xuất rau quả và hoa, cây cảnh đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 (Quy hoạch rau quả). Trong đó vấn đề then chốt là chỉ đạo triển khai áp dụng quy trình sản xuất GAP để có những sản phẩm an toàn, chất lượng cao và thực hiện tốt việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.

     Theo ông Đoàn Xuân Hoà, Phó cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông - lâm - thuỷ sản và nghề muối, 6 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu rau quả theo đường chính ngạch đạt gần 400 triệu USD (năm 2007 là 300 triệu USD). Với con số này, rau quả được xếp vào nhóm 10 mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao so với mục tiêu đề ra. Điều này có được là nhờ Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường xuất khẩu có bước đột phá, vượt ra khỏi Trung Quốc, Thái Lan... vươn đến những thị trường cao cấp và khó tính hơn như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ... Đặc biệt, nếu như trước đây, chúng ta chủ yếu xuất khẩu ở dạng đóng hộp thì nay một vài doanh nghiệp ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đưa ra nước ngoài những mặt hàng rau quả tươi.

     Ngoài ra, nhận thức của nông dân về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cải thiện. Đến nay, đã có thêm nhiều mô hình đạt chứng nhận Eurep GAP (3 trang trại thanh long ở Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn Tiền Giang), sầu riêng Dona đã xuất khẩu sang Trung Quốc, mở ra triển vọng cạnh tranh với Thái Lan ở thị trường này.

Không xây thêm nhà máy chế biến rau quả

     Đó là khẳng định của đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT khi đề cập tới những biện pháp để hoàn thành mục tiêu mà Quy hoạch rau quả đề ra. Trước đây, khi thực hiện Đề án rau quả đã có nhiều hạng mục đầu tư bị lãng phí, gây thiệt hại cho nông dân, nhiều công ty “mất cả chì lẫn chài” do bỏ vốn đầu tư vùng nguyên liệu nhưng không thành. Rút kinh nghiệm, mới đây, lãnh đạo Bộ yêu cầu chỉ duy trì năng lực chế biến rau quả ở mức 313.000 tấn sản phẩm/năm để tập trung đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo đủ và chủ động nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sẵn có, gắn sản xuất với thị trường. Theo đó, sản phẩm rau quả và hoa, cây cảnh Việt Nam sẽ nhắm tới thị trường các nước châu á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản... Bên cạnh đó, đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá và sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nhà nước; xem xét để di chuyển đến vùng phù hợp một số nhà máy…

Xác định cây chủ lực

     Một trong những giải pháp được Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm là xác định cây chủ lực của từng vùng để tập trung phát triển. Theo đó, cây ăn quả sẽ trồng chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (ĐNB), Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH); giảm diện tích cây ăn quả ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đối với rau gia vị, phát triển ở ĐBSH và ĐBSCL. Riêng rau an toàn và rau theo công nghệ cao thì ĐBSH, ĐBSCL, ĐNB là “thủ phủ”. Các loại cây ăn quả chủ lực như chuối, sầu riêng, nhãn, vải, thanh long, bưởi... có giá trị kinh tế cao, nhiều tiềm năng sẽ được ưu tiên đầu tư.

     Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sản lượng cây ăn quả của Việt Nam đạt khoảng 6,5 triệu tấn/năm, trong đó cây có múi 800.000 tấn. Năm 2007, sản lượng cam, quýt ước đạt 662.000 tấn, tăng 8,3% so với năm 2006; xoài 409.300 tấn, tăng 3,9%; bưởi 211.600 tấn, tăng 20,4%... Thanh long được trồng tập trung ở Bình Thuận (diện tích 5.000ha, sản lượng 90.000 tấn, chiếm 70% diện tích và 78,6% sản lượng thanh long cả nước). Bưởi có nhiều giống ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao như Năm Roi, da xanh. Xoài có những giống đạt chất lượng cao như xoài cát Hoà Lộc, cát Chu. Măng cụt với diện tích 5.000ha, sản lượng khoảng 4,5 triệu tấn/năm cũng là một trong những cây trồng giàu tiềm năng. Dứa là một trong 3 loại cây ăn quả chủ đạo được khuyến khích phát triển phục vụ xuất khẩu.... Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng, các địa phương cần cố gắng đưa ra một vài giống cây trồng đặc trưng để phát triển, tạo thành vùng sản xuất hàng hoá lớn phục vụ xuất khẩu như Bình Thuận ưu tiên cho thanh long, Ninh Thuận phát triển nho và Hưng Yên là trồng nhãn…

Quy trình GAP, “chìa khoá” để xuất khẩu

     Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như Bộ Công Thương đã có nhiều đề án nhằm định hướng các mặt hàng, thị trường và một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu rau quả. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản của ta vẫn gặp nhiều khó khăn do vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…

     Ninh Thuận là vựa nho nổi tiếng của cả nước, tuy nhiên, lượng hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư trong loại quả này cao gấp nhiều lần mức cho phép. Tại vùng trồng nho, nông dân có thói quen phun thuốc nhiều lần trong một vụ và phun sát thời kỳ thu hoạch. Cách làm này để lại dư lượng độc tố cao trong quả, nguy hại đến sức khỏe người sử dụng và gây ô nhiễm môi trường. Theo TS. Nguyễn Quốc Vọng (Bộ Nông nghiệp Australia), nông dân Việt Nam muốn thu ngoại tệ nhiều từ các mặt hàng rau hoa và quả, cây cảnh thì hàng hóa phải có chứng chỉ nông nghiệp an toàn hoặc nông nghiệp tốt (GAP).

     Vừa qua, thanh long Bình Thuận đã chính thức có được “giấy thông hành” để sang Hoa Kỳ. Có được kết quả này, thanh long Bình Thuận phải trải qua quá trình sàng lọc về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt từ năm 2003. Đã có một chương trình gọi là “tiền thanh thoả xuất khẩu thanh long”, với nội dung chính là thanh sát, đóng gói và chứng thực cho các vườn trồng áp dụng tiêu chuẩn GAP Việt Nam, EURO GAP; cho những cơ sở đủ điều kiện đóng gói thanh long cho thị trường Hoa Kỳ, đảm bảo không nhiễm và tái nhiễm các dịch hại quy định trước, sau đóng gói và trong quá trình vận chuyển; cho cơ sở chiếu xạ đủ điều kiện hành nghề... Ngoài ra, các chuyên gia Hoa Kỳ cũng giúp phía Việt Nam xây dựng mã số đơn vị sản xuất (PUC) và nhà đóng gói bao bì (PHC) nhằm hướng tới việc dễ dàng truy nguyên nguồn gốc sản phẩm trong quá trình xuất khẩu...

     Rõ ràng, vấn đề chủ lực hiện nay để mặt hàng rau, hoa, quả tăng cơ hội xuất khẩu là phải áp dụng quy trình GAP trong cả quá trình sản xuất, đóng gói, tiêu thụ. Bên cạnh đó việc xây dựng vùng nguyên liệu và thực hiện tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng cũng là những vấn đề rất cần được chỉ đạo sát sao.

Mục tiêu phát triển của Quy hoạch rau quả đến năm 2010 và tầm nhìn 2020

Đến năm 2010: diện tích cây ăn quả đạt khoảng 1 triệu hecta, sản lượng 10 triệu tấn, trong đó cây ăn quả chủ lực xuất khẩu khoảng 255.000ha; rau 700.000ha, sản lượng 14 triệu tấn, rau an toàn và công nghệ cao 100.000ha; hồ tiêu 50.000ha, sản lượng 120.000 tấn; hoa, cây cảnh 15.000ha, sản lượng 6,3 tỷ cành. Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đến năm 2010 đạt 760 triệu USD/năm, năm 2020 là 1,2 tỷ USD/năm.


(Nguồn: kinhtenongthon.com.vn)
Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN