Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 4575
Lượt truy cập : 7731429
“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” Bài 3: Cà Mau: Ưu tư còn lại của câu chuyện lúa - tôm (23/02/2011)
“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” Bài 3: Cà Mau: Ưu tư còn lại của câu chuyện lúa - tôm

Quy luật của nông thôn bao lâu nay là “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nhưng ở Cà Mau nhiều tháng qua thì tôm và lúa lại mất cả mùa lẫn giá. Những năm trước tôm loại 30 con/kg giá 110.000 đồng/kg, bây giờ chỉ còn 80.000 đồng/kg. Tôm sú đã hết thời. Một số khác rục rịch chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng với hy vọng quay về thời hoàng kim của tôm. Một số đông khác sau khi nuôi tôm thất bại đang muốn quay về sống an toàn với lúa.

Nhưng liệu đường về với lúa có còn khi mà vài năm tới đây diện tích đất trồng lúa sẽ giảm khoảng 50%?

     Những năm 1996 - 1999, dân vùng ngọt Cà Mau “nhìn qua bờ mặn con sông” thấy người ta đua nhau cất nhà tường nhờ nuôi tôm sú đã liên kết nhau đập cống cưa đập để lấy nước mặn về đồng nuôi tôm sú. Nhiều lãnh đạo địa phương khi ấy, ngoài mặt phản đối chuyện “cưa - đập” ngăn mặn nhưng trong lòng ngấm ngầm đồng tình và ủng hộ. Bởi những “điển hình” giàu lên trông thấy từ những vùng nuôi tôm là điều “dễ thấy, dễ tin”. Chưa bao giờ dân Cà Mau đua nhau tích tụ đất để nuôi tôm đông như thời ấy.

Tại anh tại ả

     Hệ thống thủy lợi vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau phục vụ trồng lúa gần như bị xé vụn. Việc chuyển dịch tự phát ồ ạt, khiến diện tích nuôi tôm sú Cà Mau tăng nhanh đến “chóng mặt” từ 90.000 ha (1999) nay là 250.000 ha. Phong trào nuôi tôm phát triển nhanh đến mức, người ta học nuôi tôm theo kỹ thuật truyền miệng.

     Người nuôi tôm trước trở thành thầy người nuôi sau, con giống loại nào tốt, ít bệnh thì chỉ “trời biết, đất biết, người nuôi tôm quảng canh... không biết!”. Con giống kém chất lượng trôi nổi “tứ phương” dồn về Cà Mau… Năm 2005, bệnh đốm trắng, đầu vàng, lưng đỏ, tôm còi… bắt đầu xuất hiện ở Cà Mau! Nguyên nhân là do những vuông tôm mang mầm bệnh được chủ vuông xả nước xấu ấy ra khỏi vuông tôm nhà mình để mầm bệnh ấy chảy lan sang các ruộng tôm nhà phía dưới dòng nước.


     Và bà con nuôi tôm sú lâm vào cảnh lao đao trong thời ngắn là chuyện có thể đoán ra. Ngay cả Tám Sơn, tên thật là Dương Thanh Sơn, người ấp Phạm Kiệt xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời được bà con nuôi tôm tặng cho tên gọi “chiến tướng tôm sú” bởi liên tiếp từ 2002 đến 2004 anh Tám Sơn đã là “kẻ bất khả chiến bại” trên các vuông tôm nhà mình. Trúng đậm tôm sú Tám Sơn mua thêm 10ha đất liền kề vuông tôm của anh để mở một khu nuôi tôm “cò bay mỏi cánh” với thành tích nuôi tôm giỏi và là mạnh thường quân của nhiều phong trào xã hội của địa phương, Tám Sơn đã được tỉnh, huyện tặng bằng khen nhiều lần. Nhưng đến nay thì Tám Sơn “cũng đang mệt” vì tôm trong vuông của anh lăn ra chết ngày một nhiều.

     Ngoài nguyên nhân môi trường sau vài năm nuôi tôm bị ô nhiễm nghiêm trọng do nguồn nước bị tù đọng khiến tôm bệnh đốm trắng, đầu vàng… chết trắng bờ thì người nuôi tôm ở Cà Mau phải đối diện với việc mất thị trường xuất khẩu do dư chất kháng sinh trong tôm quá cao. Mất thị trường xuất khẩu, người bán tôm quay về tìm đầu ra nơi thị trường nội địa. Chẳng bao lâu, tôm sú Cà Mau cũng bị người tiêu dùng nội địa tẩy chay vì “chích tôm quá tay”. “Chích tôm” là thuật ngữ chỉ việc thương lái thuê người bơm rau câu vào phần trống ở đầu tôm để ăn gian trọng lượng.

     Mỗi ký tôm chích, lái buôn lợi được 2 con tôm, nhưng nếu ai “chích” khéo thì 1kg có thể dôi ra 3 - 4 con tôm. Mỗi con tôm dôi dư trị giá 2.000 - 3.000 đồng. Kiểu làm ăn gian dối ấy là một trong vài nguyên nhân khiến tôm sú Cà Mau mất dần uy tín và dần mất luôn cả thị phần nội địa. Nhiều người nuôi tôm thất bại đã không thể trả nợ ngân hàng đành bỏ vuông trốn đi làm ăn nơi khác. Bà Mai Thị Thuận cũng phải bỏ vuông tôm ra bán nước mía lượm bạc lẻ ở bến phà Đầm Dơi. Bà Thuận than thở, 8 vuông tôm của bà hiện bán không đủ cho gia đình bà chi dùng hàng ngày. Bà than tôm trong các vuông của bà “cứ biến đi đâu mất” (?!) nên mỗi sáng mò, vét tôm trong lú đặt suốt đêm chỉ bán được chưa đầy 20.000 đồng. “Tui hết cách trả nợ ngân hàng rồi. Bí quá chắc bán đất trả nợ thôi”, bà nói giọng thất vọng.

Những ưu tư còn lại

     Ra khỏi phía “bờ mặn” của những vuông tôm, bước sang “bờ mặn” với những vạt lúa phơi vàng mặt đường đi chúng tôi lại bắt gặp những khuôn mặt eo sèo của những người nông dân đang bị ép giá lúa. “Giá lúa chỉ 3.900 đồng/kg, điệu này nhiều người phải vay đứng mới có tiền trả ngân hàng”, anh Lý Hữu Năm ở ấp Phạm Kiệt than. Hỏi ra mới biết, trước kia, 1kg lúa bán sau khi trừ chi phí đầu vào vẫn còn dư 2.000 - 4.000 đồng.

     Bây giờ, vật tư đầu vào tất cả đều tăng, đầu ra lại mất giá khiến nông dân “rẻ cũng phải bán, không bán thì lấy gì trả nợ, mà bán thì... muốn khóc quá”, chị Nương than. Chị Kim Hưng chỉ ra vạt lúa đang phơi nói như mếu: “Nỗi đau giữa trời này có ai cứu nông dân tụi tui?”. Để có tiền “đảo nợ” ngân hàng, bà Thuận, chị Nương và nhiều nông dân phải vay nóng 20%/tháng. Vay 1 triệu trả thành 1,2 triệu trong vòng 1 tháng, không cần biết tháng đó là 28 ngày hay 31 ngày!

     Chị Nương, nông dân ở ấp Phạm Kiệt cười buồn khi vân vê vạt áo nói: “Phải vay nóng để trả nợ cũ thì ngân hàng mới cho vay tiếp nợ mới chớ”. 30 triệu đồng được ngân hàng cho “vay mới trên nền nợ cũ” mang về nhà trả nợ 24 triệu đồng vay nóng, nông dân chỉ còn trong tay 6 triệu đồng. 6 triệu đồng ấy chẳng thể làm vốn cho một mùa lúa mới hay tôm mới, và thế là không bao lâu, họ treo bảng bán đất. Cứ nhìn những chiếc xe hơi mang biển số 54, 52, 65… chạy trên đường liên thôn, liên xã ở Cà Mau có thể thấy sự chuyển dịch đất đai ở đây đang diễn ra thế nào.


     Ông Lý Nam Hải, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tỉnh Cà Mau tiếp chúng tôi bằng thái độ lắng nghe. Chúng tôi thông tin về vòng quay của những đồng tiền trong dân và cả thông tin mà người ta gọi đó là “đảo nợ”. Ông Hải khẳng định: “Bà con thế thôi, chúng tôi không có chủ trương cho đảo nợ, cán bộ nào làm sai nguyên tắc chúng tôi kỷ luật liền”.

     Khi chúng tôi dẫn chứng một số vụ việc phải vay nóng lãi cao trả nợ ngân hàng như trường hợp bà Nương, bà Thuận... thì ông Hải nói: “Chúng tôi không biết khách hàng làm cách nào có tiền trả nợ mà chỉ biết sau khi ngân hàng đã nhận lại đủ tiền cho vay là làm thủ tục xóa nợ rồi cho vay mới, có thể tiền nhiều hơn, nhưng không quá 30 triệu đồng”(?!). Hiện có 80.401 sổ đỏ đang được cầm cố tại ngân hàng mà chưa biết khi nào mới chuộc được. Theo ông Hải, với số tiền vay 20 – 30 triệu đồng theo thời giá hiện nay bà con nuôi trồng thủy sản chẳng làm được gì nhiều, theo ông, để bà con có thể đủ vốn làm ăn số tiền được vay nên tăng lên là 50 triệu đồng/hộ.


     Hiện Cà Mau có tổng diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản (NTTS) hơn 275.000ha, trong đó nuôi tôm hơn 250.000 ha, chiếm khoảng 42% diện tích NTTS vùng đồng bằng sông Cửu Long và 27% diện tích NTTS cả nước.

     Hiện nay, toàn tỉnh còn hàng chục ngàn hécta đất nằm sâu trong bưng biền mà hệ thống thủy lợi chưa tới được, cho nên lúa trồng không được mà tôm nuôi cũng không xong, dẫn đến hàng chục ngàn hộ nông dân phải mang “gửi sổ đỏ” ở các ngân hàng từ nhiều năm, đến nay vẫn chưa trả được vốn lẫn lãi. Hiện số dư nợ cho nông dân vay trong Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Cà Mau là 1.735 tỷ đồng, trong đó đối tượng NTTS vay 1.314 tỷ đồng. Cho tới thời điểm này, dân nuôi tôm rơi vào tình cảnh thất bát và không khả năng trả nợ ngân hàng là 5,69% với hơn 5.700 hộ, nợ hơn 98 tỷ đồng.


     Sau nhiều lao đao trong cuộc sống mưu sinh vì tôm, có nơi bà con nuôi tôm trúng đậm, lại có chỗ liên tục thất bát nhiều năm liền, nhưng ngành chức năng ở tỉnh vì sao chưa tổ chức rút kinh nghiệm để từ đó có hướng dẫn đúng, kịp thời và rộng rãi trong bà con nông dân.

     Để nuôi tôm có hiệu quả, bền vững, các nhà quản lý, các nhà khoa học phải vào cuộc, giúp nông dân nhiều hơn nữa. Triển khai rộng rãi công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến từng hộ nông dân; tổ chức lại và nâng cao năng lực sản xuất con giống cho nhu cầu tại chỗ; gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, kiểm soát dịch bệnh.

     Sau những lao đao vì tôm, bà con nông dân bỏ lúa nuôi tôm như bà Thuận, chị Nương và không ít dân nuôi tôm ở Cà Mau đang thèm quay lại thời của cây lúa ngày xưa. Nhưng quay về với lúa có được khi mà đất đai đã nhiễm mặn nặng nề, không tẩy rửa được bởi hệ thống thủy lợi ngăn mặn đã bị chính bà con đập phá. Trong khi nhiều nông dân vội vàng bỏ lúa theo tôm thì những nông dân yêu đất ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình nhờ trung thành với cây lúa truyền thống, kết hợp với trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con xen với làm lúa mà cuộc sống đang ngày một khấm khá. Thu nhập của các nông dân ấy không tăng ồ ạt như nuôi tôm, nhưng bền vững, an toàn.

     Cuối chuyến đi. Chúng tôi đã cố liên lạc với ông Phạm Thành Tươi, PCT Thường trực UBND tỉnh Cà Mau để làm rõ vấn đề mà chúng tôi chưa thông, nhưng ông từ chối liên tục vì bận tiếp khách, do vậy, để rộng đường dư luận chúng tôi đưa ra vấn đề chưa tìm được câu trả lời.

     Đó là, trong khi việc nuôi tôm đang gặp những khó khăn thì việc sản xuất lúa ở Cà Mau lại bị thả nổi. Diện tích đất trồng lúa hiện còn khoảng hơn 130.000 ha, sản lượng lúa bình quân chỉ đạt hơn 400.000 tấn lúa/năm khiến ở Cà Mau xuất hiện tình trạng phải đi mua gạo ở nơi khác về ăn. Còn nhớ - năm 2000, sản lượng lúa của Cà Mau đạt gần 1 triệu tấn. Theo thông tin mà chúng tôi vừa có được - tới năm 2015, diện tích đất trồng lúa ở Cà Mau được quy hoạch xuống còn 80.000 ha. Với diện tích trồng lúa hiện nay dân Cà Mau đã phải ăn gạo mua từ nơi khác, nếu giảm gần 50% diện tích đất trồng lúa đang có, liệu có đảm bảo an ninh lương thực cho 1,3 triệu người dân trong tỉnh?

(nguồn:http://sggp.org.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN