Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 2
Lượt truy cập : 7724212
Nông Dân Mất Ruộng Vì Khu Công Nghiệp - Dân Cư(tt) (23/02/2011)
Nông Dân Mất Ruộng Vì Khu Công Nghiệp - Dân Cư
Bài 2:Ly nông vì khu công nghiệp

Bà Phạm Thị Mối ở ấp Phú Hòa 2 (Bình Hòa, Châu Thành, An Giang) than thở: "Nói xây dựng KCN để tạo việc làm, nào ngờ dân lâm vào cảnh thất nghiệp, bỏ đi tứ tán hết rồi".

Mất đất, mất luôn nghề nông
Tại An Giang, KCN Bình Hòa, huyện Châu Thành rộng 132ha hiện vẫn là bãi cát trống bụi bay mù mịt. Mặc dù dự án được triển khai cách đây năm năm nhưng hiện chỉ có một nhà máy sản xuất thép hoạt động. Vài năm trước nơi đây là cánh đồng trồng lúa 3 vụ/năm, cuộc sống người dân rất ổn định vì năng suất lúa mỗi vụ đạt trên 50 giạ/công. Khi qui hoạch KCN này, đã có rất nhiều hộ ôm tiền đền bù mà không biết làm gì để sống. Vài năm sau, khoản tiền ít ỏi ấy vơi dần nên phải đi làm thuê, làm mướn sống lây lất hoặc bỏ xứ đi nơi khác tìm kế mưu sinh.

Cánh đồng bên bờ đông quốc lộ 30 thuộc P.11, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) giờ cũng là bãi cát mênh mông với mai dương, cỏ dại mọc đầy. Đó là KCN Trần Quốc Toản rộng 100ha nhưng hiện mới có một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Những hộ dân đã nhường đất cho KCN đang thất nghiệp. Người dân cho biết đất ruộng đền bù 18 triệu đồng/công không đủ để mua đất nơi khác. Năm 2001 bị giải tỏa nhưng mãi tới năm 2007 gia đình ông Nguyễn Văn Vân mới vào khu tái định cư cất lại nhà. Khoản tiền được bồi hoàn hết sạch, hai vợ chồng ông hằng ngày làm mướn, hai đứa con học xong lớp 12 cũng đi làm thuê.

Ở Hậu Giang, tại thị xã Ngã Bảy đang mọc lên Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Phụng Hiệp ở P.Hiệp Thành. Nhiều người có nhà, đất bị giải tỏa không còn đất đai canh tác đành phải bỏ xứ đi nơi khác làm thuê kiếm sống.

Bên phía tỉnh Sóc Trăng, người dân ấp An Bình, xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách lo sốt vó vì KCN Cái Côn đang được triển khai. Ông Trần Văn Hiếu có đất bị ảnh hưởng bởi KCN Cái Côn lo lắng: "Ruộng bị thu hồi xem như nông dân thất nghiệp, vì còn đâu đất để trồng lúa lấy công làm lời nuôi con cái ăn học".

Nhanh chân lấy đất, đủng đỉnh xây nhà
Những khó khăn của người dân càng chồng chất do nhiều tỉnh tại ĐBSCL đã làm theo "qui trình ngược" là lấy đất của dân trước rồi mới làm khu tái định cư theo kiểu... rùa bò. Theo bảng xác định nhân khẩu, ở dự án Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Phụng Hiệp (Ngã Bảy, Hậu Giang) có trên 160 hộ được tái định cư. Lúc đầu chủ đầu tư hứa sẽ cấp nền nhà với diện tích mỗi hộ 40-150m2.

Chờ hoài chẳng thấy, những hộ bị giải tỏa đã mất rất nhiều thu nhập từ vườn cây, ao cá nên năm 2007 có người đã căn cứ vào bảng dự kiến cấp nền tái định cư để bán... nền nhà với giá khoảng 40 triệu đồng/nền. Đầu năm 2008 những hộ bị giải tỏa nhận được thông báo sẽ được cấp nền tái định cư phân tán, nhưng cuối cùng mỗi hộ chỉ nhận được trên 100 triệu đồng để... tự đi tìm nơi mua đất cất nhà.

Bi đát hơn là người dân bị mất đất bởi dự án KCN Bình Long ở huyện Châu Phú (An Giang). Dự án này có đến 663 hộ dân bị giải tỏa nhưng bảy năm qua vẫn còn sống lây lất bên bãi cát trống mà chưa có chỗ tái định cư trong khi tiền trợ cấp chỉ có sáu tháng. Cuộc sống khó khăn, không ít trẻ em phải bỏ học lao vào cuộc mưu sinh vất vả để kiếm sống.

Còn tại KCN Bình Hưng thì hai năm nay một số hộ được bố trí vào khu tái định cư nhưng nơi ăn ở của họ giống như tuyến dân cư vượt lũ dành cho hộ nghèo. "Vào đây rồi cứ... ở không. Thanh niên phải lên TP.HCM và các KCN ở miền Đông để kiếm sống" - ông Nguyễn Văn Tranh (ấp Bình Hưng, Bình Long, Châu Phú, An Giang), than vãn. Tuy nhiên, Ban Quản lý KCN tỉnh An Giang cho rằng việc bố trí tái định cư ở cạnh KCN là muốn bà con có điều kiện làm các dịch vụ bởi sau này các nhà máy hoạt động thu hút nhiều công nhân. Theo người dân, "ở còn không đủ, làm gì có chỗ trọ cho công nhân thuê hay mở quán nước, quán ăn...".

Chỗ mới không bằng chỗ cũ
Tại Cà Mau, đến nay KCN Khánh An rộng 360ha ở huyện U Minh đã giải phóng mặt bằng được 159ha với 249 hộ có nhà, đất bị ảnh hưởng. Cuộc sống ổn định của người dân xã Khánh An đang nhường chỗ cho KCN mọc lên nhưng giá bồi hoàn đất nông nghiệp chỉ có 12.000 đồng/m2 và mặt nước dành để nuôi tôm được hỗ trợ thêm 4.000 đồng/m2. Đối với đất trồng cây lâu năm cũng chỉ được bồi hoàn 15.000 đồng/m2 và hỗ trợ thêm 2.000 đồng/m2 mặt nước nuôi tôm.


Người dân nơi đây cho rằng tuy cuộc sống không giàu có nhưng chịu khó trồng lúa và nuôi tôm quảng canh cũng có của ăn của để. Bị mất đất hàng trăm hộ phải vào khu vực Lâm trường 3 mua đất định canh. Ông Quách Văn Hợp - phó chủ tịch UBND xã Khánh An (U Minh, Cà Mau) - lo lắng: "Những hộ này chắc chắn sẽ gặp khó khăn bởi khu vực này đất bị nhiễm phèn mặn rất nặng. Ngoài cây tràm, bạch đàn và chuối thì không thể trồng cây khác được. Hiện địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và huyện tiến hành lấy mẫu đất, nước mang đi phân tích để xem vùng đất này có thể trồng, nuôi thêm cây, con gì nhưng chưa biết khi nào dự án này mới thực hiện xong".

 (nguồn :http://www.tuoitre.com.vn)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN