Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 838
Lượt truy cập : 7725244
Giải pháp ứng phó thiên tai tại Việt Nam (10/10/2017)
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu, hàng năm Việt Nam phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, với cường suất lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đã có những giải pháp được triển khai trên phạm vi cả nước để ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thời tiết, thiên tai gây ra.
Nhà dân ở xã Vân Khánh, huyện An Minh (Kiên Giang)  cheo leo trên biển do sạt lở
 
Kết quả bước đầu
Phòng, chống thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần ổn định sản xuất, đời sống nhân dân, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Đến nay, đã xây dựng, phát triển hệ thống tổ chức quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, đã thành lập Tổng cục Phòng, chống thiên tai kiêm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Cùng với đó, từng bước phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai, đê điều trên phạm vi toàn quốc.
Cùng với các bộ, ngành, địa phương và người dân, chúng ta đã gây dựng, vận hành nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công trình phòng chống thiên tai khắp các vùng miền của tổ quốc, trong đó phải kể đến: 5.212km đê sông (trong đó có 2.622km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt); 2.681km đê biển; 743km kè; 1.686 cống; 25.960km đê và bờ bao chống lũ, ngăn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương; 6.648 hồ chứa thủy lợi có dung tích trên 50.000m3 với tổng dung tích khoảng 12,5 tỷ m3 và 56 hồ thủy điện bậc thang với tổng dung tích phòng lũ là 9,35 tỷ m3; 110 hệ thống thuỷ lợi vừa và lớn; trên 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới, tiêu lớn, 234.000km kênh mương.
Tổng năng lực tưới hệ thống thủy lợi đạt 3,52 triệu ha đất canh tác; 857 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư vượt lũ ĐBSCL đảm bảo 191.000 hộ dân vùng ngập lũ được bố trí chỗ ở ổn định; hỗ trợ được 12.937/25.137 hộ nghèo khu vực miền Trung xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; Di chuyển trên 34.964 hộ dân khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai (sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lũ, sụt lún đất…); xây dựng 42 khu neo đậu (trong đó có 13 khu cấp vùng) với công suất 31.150 tàu neo đậu.
Biến động trữ lượng rừng 5 tỉnh Tây Nguyên
 
Song song đó, đã đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng, nâng tổng diện tích rừng toàn quốc lên 14.377.682ha, trong đó rừng tự nhiên là 10.242.141ha, rừng trồng là 4.135.541 ha; với độ che phủ tương đương là 41,19%; xây dựng hệ thống thông tin liên lạc và định vị cho 11.400 tàu cá đánh bắt xa bờ với công nghệ hiện đại như: hệ thống Movima, hệ thống trạm bờ.
Đặc biệt, đã hình thành hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách tương đối đầy đủ với Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều; văn bản dưới luật, cơ chế chính sách như: Quỹ phòng, chống thiên tai, chính sách bố trí dân cư các vùng thiên tai; Chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai,…; Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; Xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai và đang tiếp tục điều chỉnh Chiến lược đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cho phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội hiện nay.
Đã xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai quốc gia trên bản đổ trực tuyến, các công cụ hỗ trợ ra quyết định như: Vận hành hồ chứa theo thời gian thực; Theo dõi, giám sát thiên tai bằng hình ảnh; Giám sát tàu thuyền hoạt động trên biển qua vệ tinh; Quản lý lũ tổng hợp,… Trong đó đã sử dụng công nghệ bay chụp thu thập thông tin về thiên tai như đã thực hiện trong các trận lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt, bão số 10 vừa qua.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã triển khai nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại 1.900 xã/6000 xã thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai; Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai tại 1.320 xã; Đào tạo được 1.475/1.439 giảng viên cấp tỉnh, biên soạn và chuyển giao 24.023 tài liệu đào tạo, tập huấn cho địa phương, cơ quan liên quan; Tuyên truyền, phổ biến 50 phim ngắn trên các kênh truyền hình; Xây dựng tiêu chí nông thôn mới về phòng chống thiên tai; Rà soát nhà ở an toàn trước thiên tai.
Trên bình diện quốc gia, chúng ta đã tích cực và chủ động tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực về phòng tránh thiên tai. Trong đó đã tổ chức tiếp nhận hàng hỗ trợ của các nước ASEAN cho các tỉnh bị lũ quét, sạt lở đất đầu tháng 8 vừa qua.
Chúng ta cũng ghi nhận sự giúp đỡ của các quốc gia trên thế giới, các quốc gia trong khu vực ASEAN nhất là Nhật Bản, Đức, Hà Lan,…, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhất là: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á, Liên hợp Quốc,… trong việc hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, công nghệ, triển khai các hoạt động thí điểm, giúp chúng ta từng bước định hình chiến lược phát triển cho công tác phòng, chống thiên tai trong từng giai đoạn.
Qua đó đã góp phần giảm đáng kể thiệt hại so với giai đoạn trước; số người chết và mất tích bình quân năm trong 5 năm 2011-2015 là 226 người/năm, giảm 53% so với giai đoạn 2006-2011 (hầu hết các trận bão, áp thấp nhiệt đới gần đây đã không có người chết trên biển, trên tàu thuyền neo đậu ở bến).
Thách thức còn nhiều
Hiện nay, yêu cầu bảo đảm an toàn trước thiên tai của xã hội ngày càng cao trong bối cảnh quy mô dân số và nền kinh tế tăng nhanh. Với quy mô dân số gần 92 triệu người, trong đó Hà Nội ở mức gần 7,6 triệu người, TPHCM ở mức 8,2 triệu người, tổng sản phẩm quốc nội ở mức 172 tỷ USD, nếu thiên tai lấy đi 1% GDP tức là chúng ta đã mất đi 1,72 tỷ USD, chưa kể các hệ lụy do thiên tai để lại.
Những thách thức đặt ra đối với công tác phòng chống thiên tai là rất lớn, nhất là khi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cường độ thiên tai trung bình có xu thế gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan trái so với quy luật trước đây.
Cụ thể: bão mạnh, siêu bão, mưa lớn đột biến tại Quảng Ninh, Quảng Bình, lũ quét, sạt lở đất tại miền núi phía Bắc, hạn hán tại Tây Nguyên, Đông Nam bộ; xâm nhập mặn ở ĐBSCL; tình trạng suy kiệt nguồn nước tại một số hệ thống sông lớn; ngập lụt thường xuyên tại TPHCM, Cần Thơ do triều cường…
Ngoài ra, theo kịch bản nước biển dâng lên 1m, chưa kể lún sụt đất, sẽ có 39% diện tích ĐBSCL, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng, 2,5% diện tích thuộc các tỉnh miền Trung và 20% diện tích TPHCM có nguy cơ bị ngập.
Theo kịch bản nước biển dâng lên 1m, chưa kể lún sụt đất thì 20% diện tích TPHCM có nguy cơ bị ngập
 
Một thách thức khác là từ tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến công tác phòng, chống thiên tai, làm gia tăng nguy cơ, thậm chí xuất hiện những loại hình thiên tai mới. Điển hình như: việc thu hẹp diện tích rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, xây dựng hồ chứa, khai thác cát dẫn đến suy giảm khả năng trữ nước, mất cân bằng bùn cát, hạ thấp đáy sông, làm gia tăng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển; phát triển các khu công nghiệp, đô thị tập trung, sử dụng những vùng đất thấp, trũng không đảm bảo khả năng trữ nước, tiêu thoát nước, khai thác nước ngầm quá mức gây ngập lụt, lún đất.
Cùng với đó, thách thức từ việc sử dụng nguồn nước khu vực thượng lưu sông Hồng, sông Mê Kông đã và sẽ dẫn đến mất cân bằng bùn cát, hạ thấp lòng sông, suy giảm nguồn nước, giảm khả năng điều tiết của các khu chứa lớn như Biển Hồ góp phần làm trầm trọng hơn tình hình lũ, hạn, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển ở Việt Nam.
Giải pháp ứng phó hữu hiệu
Trước những thách thức đó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai xác định cần tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai, trong đó, cần tập trung tham mưu ưu tiên thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp sau:
Một là, chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Hai là, chủ động rà soát, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát an toàn thiên tai; điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng, xu thế diễn biến thiên tai và điều kiện của từng vùng, địa phương.
Ba là, nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Người dân chủ động thực hiện phòng, chống thiên tai với sự hỗ trợ về thông tin cảnh báo, chỉ dẫn phòng, tránh của chính quyền các cấp.
Bốn là, chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai trên cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, trong đó có phương án ứng phó với lũ lớn đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung, kiểm soát lũ đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với bão mạnh, siêu bão.
Năm là, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật.
Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Bộ, sự động viên, khích lệ của các thế hệ đi trước và toàn thể nhân dân chúng tôi tin tưởng rằng, sự nghiệp phòng, chống thiên tai sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần đem lại sự bình an cho người dân, đóng góp vào việc giữ gìn thành quả phát triển của đất nước.

Theo:http://www.sggp.org.vn
Tin tức khác
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 04) Tin phát lúc: 08h00 (09/10/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 4) (07/10/2023)
TIN CUỐI CÙNG VỀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI (26/09/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI KHẨN CẤP (Tin phát lúc: 08h00) (25/09/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 3) lúc 14 giờ (31/08/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 02) (27/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 11H00 NGÀY 18-7-2023 (18/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 05H NGÀY 17-7-2023 (17/07/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG (15/07/2023)
Ứng phó linh hoạt với thiên tai (28/05/2023)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN