Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 407
Lượt truy cập : 7774768
Đối diện với nguy cơ ngập nghiêm trọng - Bài 3 (17/11/2011)
Đối diện với nguy cơ ngập nghiêm trọng - Bài 3: Sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL - Vẫn canh cánh lo vì biến đổi khí hậu

     Khi nước lũ cuối tháng 9 mấp mé bờ đê, nhiều người mới giật mình nhìn nhận lại vai trò, thực trạng sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL. Việc sản xuất lúa vụ 3 trong mùa lũ thời gian qua không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, mà giúp không ít người nghèo có việc làm, ổn định đời sống. Tuy nhiên, thực trạng này cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, cần có giải pháp căn cơ mang tính tổng thể toàn vùng để đảm bảo đạt hiệu quả cao, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, lũ, triều cường làm ngập sâu vườn cây ăn trái, rau màu và ruộng mía cũng khiến nông dân các tỉnh cuối nguồn lao đao.

Trăn trở lúa vụ 3

     Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN- PTNT), đến nay nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 350.000ha lúa vụ 3, diện tích còn lại đang tiếp tục thu hoạch đến giữa tháng 12-2011 sẽ dứt điểm. Điểm sáng đáng ghi nhận của lúa vụ 3 năm nay là “trúng mùa, được giá”, nông dân lời nhiều, ngành nông nghiệp tăng được sản lượng lương thực đáng kể: năng suất lúa đạt tới 6,5 tấn/ha, giá hơn 7.000 đồng/kg, nhờ đó lợi nhuận thu về không thua vụ đông- xuân.

     Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, do giá lúa hấp dẫn nên nông dân trong tỉnh mạnh dạn xuống giống hơn 98.858ha lúa vụ 3; tăng 40.000ha so năm 2010. Có thể nói phong trào sản xuất lúa vụ 3 mùa lũ ở ĐBSCL rất sôi động, ngay cả những vùng ngoài quy hoạch cũng có không ít hộ tự ý “xé rào” làm lúa vụ 3.

     Sở NN- PTNT Kiên Giang thừa nhận, kế hoạch đề ra chỉ sản xuất 36.000ha lúa vụ 3 ở những nơi có đê bao vững chắc, nhưng thực tế các huyện xuống giống tới 53.000ha, cao kỷ lục từ trước đến nay. Tại TP Cần Thơ, nếu như năm 2010 diện tích lúa vụ 3 khoảng 34.000ha, năm nay nhảy vọt lên trên 54.000ha…

     Việc bùng nổ lúa vụ 3 đã kéo theo nhiều hệ lụy. Năm nay lũ lớn về sớm đã vây khốn hàng trăm ngàn hécta lúa ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang. Sở NN-PTNT các tỉnh thành thừa nhận, do chủ quan thiếu đề phòng, cộng với hệ thống đê bao yếu trong khi diện tích sản xuất tăng chóng mặt, thế là lúa vụ 3 nhiều nơi đã ngập chìm trong lũ.

     Đến thời điểm này, nhờ huy động tổng lực hộ đê nên tỷ lệ lúa vụ 3 bị mất trắng chỉ chiếm 1,31% trên tổng diện tích xuống giống là một thành công. Tuy nhiên, đa phần đê bao sản xuất lúa ở ĐBSCL là đê bao chống lũ tháng 8 cho lúa hè thu. Loại đê bao này chỉ chịu được lúc lũ vừa lên, khi đó nông dân thu hoạch xong lúa hè thu là xả đê cho lũ tràn vào để lấy phù sa. Nay các tỉnh bùng nổ lúa vụ 3 nhưng vẫn lấy đê bao loại này ra chống chịu, do đó khi gặp lũ lớn gây vỡ đê là khó tránh khỏi.

     Tại một số địa phương, năm nay nhiều nông dân nói đê còn rất yếu, mong manh, bề ngang mặt đê có đoạn chưa tới 3m không nên sản xuất vụ 3 nhưng chính quyền vẫn cứ ép phải xuống giống. Phải chăng đây là việc chạy theo thành tích mà hậu quả người dân gánh chịu thiệt hại? Chưa hết, nông dân còn phản ánh một số vụ vỡ đê, chính quyền địa phương phản ứng rất chậm và lúng túng tìm phương án ứng cứu. Tuy diện tích thiệt hại chẳng là bao, song đã khiến cho hàng chục ngàn nông dân mất ngủ trước lũ lớn. Đáng lưu ý, khi trao đổi vấn đề này với các cán bộ đương nhiệm, hầu như ai cũng giữ quan điểm sản xuất lúa vụ 3, trong khi không ít nhà khoa học phản ứng.

Nhà vườn cũng... chịu trận!

     Những ngày này nước lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với triều cường đã uy hiếp vườn cây ăn trái ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… Từ cuối tháng 9 đến nay nhiều nhà vườn mất ăn mất ngủ khi nước lũ về nhanh gây ngập trên diện rộng.

     Ông Nguyễn Văn Cường, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, chua chát: “Thấy vùng đầu nguồn lũ làm vỡ đê thiệt hại lúa, nhà vườn tụi tui rầu thúi ruột. Bờ bao liên tục gia cố, máy bơm rút nước chuẩn bị sẵn sàng, thế nhưng nước lũ lớn quá phá vỡ bờ bao làm ngập vườn quýt hồng đặc sản”.

     Ông Lê Văn Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp, cho biết cùng với lúa vụ 3 thì vườn cây ăn trái cũng được bảo vệ quyết liệt. Nhưng do nước lũ quá lớn đã làm ngập 3.418ha vườn, trong đó 1.101 ha bị thiệt hại 100%.

     Tại Bến Tre, đợt lũ và triều cường vừa qua đã làm ngập trên 1.500ha vườn cây ăn trái ở huyện Chợ Lách. Hơn 1.000ha vườn ở Vĩnh Long cũng chịu chung số phận. Lũ phá vỡ và tràn 57 bờ bao ở Tiền Giang gây ngập nhiều diện tích vườn. Tại Hậu Giang, nước lũ tấn công hàng ngàn hécta vườn ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp…

     Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết tỉnh huy động tổng lực từ xã, huyện đến tỉnh ra sức gia cố hàng loạt tuyến đê giữ trên 45.000ha vườn. 6 tuyến đê bao dọc sông Tiền vừa được nhà nước đầu tư xây dựng trên 30 tỷ đồng đang phải tiếp tục gia cố thêm những đoạn bị nước lũ tràn vào, hàng chục xáng cạp túc trực tại các điểm nóng để ứng cứu.

     Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) lo lắng: Nếu nước dâng cao thêm khoảng 2 - 3 tấc nữa là trên 9.438ha vườn của huyện thất thủ, gần 4.000ha hoa kiểng cũng lâm nguy.

     Trực tiếp kiểm tra tình hình chống lũ bảo vệ khoảng 67.000ha vườn cây ăn trái của tỉnh Tiền Giang, ông Trần Thế Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu Ban chỉ huy PCLB, chính quyền địa phương và nhà vườn phải tập trung nhân lực, vật lực, áp dụng phương châm 4 tại chỗ kiên quyết giữ vườn.

     Theo tính toán của ngành nông nghiệp, lúa vụ 3 ở An Giang và Đồng Tháp bị lũ nhấn chìm làm mất trắng từ 20 - 30 triệu đồng/ha, trong khi vườn cây ăn trái nếu bị thiệt hại sẽ tốn kém chi phí cao gấp nhiều lần so với lúa, chưa kể mất từ 5 - 7 năm mới có thể khôi phục lại. Điều này cho thấy bảo vệ vườn là vô cùng cấp bách.

     Trong khi đó, lũ cũng làm hàng trăm nông dân ở huyện Phụng Hiệp vắt giò đốn mía chạy lũ, hàng ngàn hécta hoa màu trôi theo dòng nước. Với những gì đang diễn ra, sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở ĐBSCL thật sự bấp bênh, cần phải có “lối thoát” bền vững trong thời gian tới. (Nguồn: sggp.org.vn)

Tin tức khác
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 04) Tin phát lúc: 08h00 (09/10/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 4) (07/10/2023)
TIN CUỐI CÙNG VỀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI (26/09/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI KHẨN CẤP (Tin phát lúc: 08h00) (25/09/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 3) lúc 14 giờ (31/08/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 02) (27/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 11H00 NGÀY 18-7-2023 (18/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 05H NGÀY 17-7-2023 (17/07/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG (15/07/2023)
Ứng phó linh hoạt với thiên tai (28/05/2023)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN