Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 1427
Lượt truy cập : 7723497
Đối diện nguy cơ ngập nghiêm trọng - TPHCM có chìm trong biển nước như Bangkok? (14/11/2011)
Đối diện nguy cơ ngập nghiêm trọng - Bài 1: TPHCM có chìm trong biển nước như Bangkok?

Những nguy cơ... có thật

Không phải ngẫu nhiên, vào tháng 6-2010 TPHCM đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị ngưng xây dựng thủy điện trên sông Đồng Nai. Bởi lẽ, nhìn một góc độ nào đó thành phố đối diện với nguy cơ những túi “bom nước” treo lơ lửng, có thể gây ra thảm họa bất cứ lúc nào.

Công văn nêu rõ: “Là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là nơi tập trung đông dân cư, kho tàng, bến bãi… lớn nhất của cả nước, nằm trong vùng hạ lưu với gần 20 công trình thủy điện bậc thang trên đầu nguồn sông Đồng Nai, càng tăng thêm nguy cơ cho TPHCM khi xảy ra sự cố các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện đầu nguồn…”.

Lưu vực sông Đồng Nai gồm 4 hệ thống sông gồm Đồng Nai, La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn đi qua 11 tỉnh thành. Theo thống kê của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, có tổng cộng 20 thủy điện đã vận hành và đang triển khai. Ngần ấy thủy điện đi kèm hàng loạt hồ chứa nước, giả dụ chỉ xảy ra một sự cố chắc chắn sẽ để lại những tác hại khôn lường.

Cụ thể, trên dòng chính sông Đồng Nai có 9 thủy điện, gồm có thủy điện Trị An (thể tích hồ chứa toàn bộ 2.765 triệu m³), Đa Nhim (166 triệu m³), Đại Ninh (319 triệu m³), Đồng Nai 2 (543 triệu m³), Đồng Nai 3 (1.423 triệu m³), Đồng Nai 4 (337 triệu m³), Đồng Nai 5 (106 triệu m³), dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang tranh cãi.

Trên sông Bé có 6 thủy điện, đó là Đak Glun (27 triệu m³), Đak Glun 2 (5 triệu m³), Thác Mơ (1.360 triệu m³), Thác Mơ mở rộng (1.360 triệu m³), Cần Đơn (165 triệu m³), Srok Phumieng (284 triệu m³) và trên sông La Ngà có 5 thủy điện với tổng cộng khoảng 890 triệu m³. Như vậy, có nhiều tỷ khối nước nằm trong các hồ thủy điện trong thời tiết mưa gió thuận hòa, chưa tính khi trời nổi giận trút nước…

Chưa dừng lại đó, bởi thực tế sẽ tiếp tục còn có nhiều quả bom mới hình thành, những dự án thủy điện khác đang và sẽ hình thành. Ví dụ, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang tiếp tục lấy ý kiến để triển khai. Có lẽ chưa có dự án thủy điện nào gây tranh cãi ồn ào như thế.

Ngay cả hai tổ chức chung một nhà, đó là Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (VACNE) và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đều thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đã đứng ra tổ chức riêng hai hội thảo khác nhau, ý kiến cuối cùng lại khác nhau, bên đồng thuận, bên phản bác dẫn đến khẩu chiến trên mặt báo.

Rồi chính bản thân tỉnh Đồng Nai lại bộc lộ mâu thuẫn, trong khi “nói không” với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, nhưng tháng 10-2008 lại đề nghị Bộ Công thương hiệu chỉnh dự án Đồng Nai 8 thành 5 dự án nhỏ vào quy hoạch các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai, bao gồm dự án Tà Lài, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn và Ngọc Định(!).

Tháng 1 và tháng 5-2009 UBND tỉnh Bình Phước và tỉnh Lâm Đồng lần lượt có công văn đề nghị bổ sung dự án thủy điện Bù Đăng. Tháng 6-2009, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Á Đông (Bình Phước) xin bổ sung dự án thủy điện Đức Thành, nằm dưới dự án thủy điện Đồng Nai 6A.

Nói chung, quy hoạch khai thác thủy điện hệ thống sông Đồng Nai đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2002 so với hiện nay đã bị xáo trộn liên tục, theo xu hướng mật độ thủy điện ngày một dày thêm. Chẳng hạn, khoảng cách từ thủy điện Đồng Nai 3 đến Đồng Nai 6A chừng 130km nhưng sông Đồng Nai bị chặn làm 5 khúc với 5 thủy điện! Còn nhìn theo sơ đồ, Đồng Nai 6 kế sát Đồng Nai 5, Đồng Nai 6A bám sát Đồng Nai 6!

Hiệu ứng... xả lũ

Với mật độ thủy điện dày đặc, theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Công đã đặt ra những thách thức lớn đối với môi trường sinh thái, gây thay đổi lớn về cơ cấu dòng chảy tự nhiên xuống các khu vực hạ lưu theo chiều hướng bất lợi: tăng mối đe dọa lũ mùa mưa và thiếu nước mùa khô.

Đặc biệt, việc xây quá nhiều hồ chứa trên vùng thượng của một lưu vực sông theo kiểu bậc thang nối tiếp nhau dễ gây ra hiệu ứng domino trong xả lũ. Bởi “ông chủ” các hồ chứa thủy điện vận hành mỗi nơi một kiểu độc lập khiến nhiệm vụ điều tiết nguồn nước, phòng lũ không được đảm bảo. Mùa khô tranh thủ tích nước nhưng khi lũ đến thì trên xả, dưới cũng xả khiến vùng hạ lưu mang họa.

“Hiện nay, chưa có một “nhạc trưởng” trong công tác quản lý tài nguyên nước cho toàn lưu vực sông Đồng Nai. Ngoài hệ thống quản lý tài nguyên nước đang vận hành, Đồng Nai đang tồn tại 2 tổ chức lưu vực sông là Ban quản lý quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) và Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (Bộ Tài nguyên - Môi trường) nhưng hai tổ chức này dường như không có tiếng nói đối với các vấn đề quan trọng của lưu vực”, tiến sĩ Đào Trọng Tứ nhận xét.

Điều quan trọng hơn, việc xây dựng nhiều thủy điện dẫn tới nguồn nước cung cấp cho thủy điện sẽ tụt giảm vì rừng bị tàn phá. Một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng từng công bố, đối với một thủy điện lớn, để có 1MW phải mất 10ha rừng, còn thủy điện trung bình mất khoảng 16ha đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp.

Với tổng công suất các thủy điện đã và đang triển khai, trên lưu vực sông Đồng Nai sẽ mất đi vài chục ngàn ha rừng! Hệ lụy của “nuốt” rừng đầu nguồn sẽ hủy loại thảm thực vật, triệt tiêu luôn khả năng giữ nước, khiến tốc độ dòng chảy ngày càng dữ dội, dễ xuất hiện lũ lớn.

Những nguy cơ này có thể “sờ được” nhưng đến nay, theo Sở Công thương TPHCM, sau khi thành phố gửi công văn kiến nghị đến nay, chưa có dự án thủy điện nào “bảo dừng”, các địa phương vẫn tiếp tục xây, tiếp tục làm.

nguồn:http://sggp.org.vn

Tin tức khác
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 04) Tin phát lúc: 08h00 (09/10/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 4) (07/10/2023)
TIN CUỐI CÙNG VỀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI (26/09/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI KHẨN CẤP (Tin phát lúc: 08h00) (25/09/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 3) lúc 14 giờ (31/08/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 02) (27/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 11H00 NGÀY 18-7-2023 (18/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 05H NGÀY 17-7-2023 (17/07/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG (15/07/2023)
Ứng phó linh hoạt với thiên tai (28/05/2023)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN