Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 925
Lượt truy cập : 7701365
Chính Sách Mới Đối Với Tam Nông Là Thực Hiện Công Bằng Xã Hội (Bài II) (23/02/2011)
Bài II: Những nghịch lý chưa được tháo gỡ

Thua thiệt mọi bề

Mặc dù có gần 70% dân số, đóng góp trên 20% GDP nhưng khu vực nông thôn vẫn tồn tại nhiều vấn đề nổi cộm như hạ tầng nghèo nàn; quy hoạch và quản lý quy hoạch còn bất cập; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Công cuộc xoá đói giảm nghèo dù được đánh giá đạt kết quả tốt (năm 2001, tỷ lệ hộ nghèo là 14,5%, năm 2006 giảm xuống còn 8,3% theo tiêu chí cũ, tiêu chí mới là 18% và năm 2007 là 14,7%; thu nhập bình quân tăng từ 11 triệu đồng/hộ năm 2000 lên 16 triệu đồng/hộ năm 2006) nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn. Lao động thiếu việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, tình trạng thất nghiệp và tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng đang là mối đe doạ lớn ở nông thôn.


Nguyên nhân chính của những tồn tại trên là do nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, sản xuất nông nghiệp về cơ bản là nhỏ lẻ, thiên tai, dịch bệnh ngày càng nhiều và có xu hướng gay gắt hơn. Đó là chưa kể, đầu tư cho phát triển nông thôn thiếu đồng bộ, nguồn lực bị chia sẻ, phân tán nên hiệu quả không cao. Trong 20 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng nghịch lý là tốc độ tăng GDP trong nông nghiệp có dấu hiệu chững lại. Năm 2005, GDP trong nông nghiệp tăng 4% nhưng đến năm 2006 chỉ còn 2,84%. Theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, nông thôn TS.Đặng Kim Sơn, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do đầu tư cho nông nghiệp quá thấp và quản lý nông nghiệp còn bất cập. Giai đoạn 2001 - 2005, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ đạt 110.000 tỷ đồng, bằng 10% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Năm 2006, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp chỉ đạt 7%, đầu tư nước ngoài 3%, giảm 1% so với năm 2005. Tỷ trọng đầu tư của ngân sách Nhà nước cho ngành nông nghiệp cũng giảm dần theo từng năm. Cụ thể, chi tiêu công cho nông nghiệp chỉ đạt 5 - 6% ngân sách, tương đương 1 - 1,5% GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Điều này góp phần dẫn tới tình trạng các hộ ở nông thôn phải đóng góp phí và lệ phí ngập đầu, làm giảm lợi nhuận từ sản xuất. Đầu tư thấp cũng khiến kết cấu hạ tầng nông thôn rất yếu kém.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, khó khăn lớn nhất và cơ bản nhất của nông nghiệp nước ta là sản xuất phân tán, quy mô nhỏ (bình quân mỗi hộ chỉ có 0,6 - 0,7ha đất canh tác) lại chia thành nhiều mảnh, khó tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn vừa chậm, vừa không đồng đều nên đến nay vẫn có tới 77% số hộ làm nông nghiệp thuần tuý, chỉ giảm 1,6% so với 10 năm trước.

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nhưng vẫn chưa làm được bao nhiêu. Ngay trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XII, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) băn khoăn về hình ảnh truyền đời của người nông dân Việt Nam là "con trâu đi trước, cái cày theo sau" vẫn chưa xoá được hay trên vùng cao núi đá Hà Giang, nông dân vẫn phải bê đất bỏ vào từng hốc đá để trồng ngô. Ngoài ra, công cuộc công nghiệp hoá cũng khiến nhiều người dân mất đất sản xuất. Theo thống kê, cả nước có 4,3 triệu hecta đất trồng lúa nhưng mấy năm gần đây đã giảm chỉ còn xấp xỉ 4,1 triệu hecta, bình quân mỗi năm mất gần 1%. Thái Bình là tỉnh thuần nông, đất chật người đông nhưng cũng có tới 7 khu công nghiệp và 13 cụm công nghiệp, "ngốn" gần 1.250ha “bờ xôi ruộng mật”. Điều đáng nói là nhiều diện tích đã quy hoạch cho khu công nghiệp nhưng nhiều năm trời vẫn bỏ hoang. Đến nay, số khu - cụm công nghiệp ở Thái Bình lấp đầy khoảng 50% diện tích, trong khi đó 45% nông dân phải bỏ nhà đi làm thuê.

Sự ì ạch của doanh nghiệp

Được coi là một trong những động lực chính thúc đẩy nông nghiệp - nông thôn phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trong khu vực này vẫn thấp nhất cả nước. Đây là nghịch lý trong phát triển nông nghiệp - nông thôn nước ta.

Cuộc hội thảo “Nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản giữa các thành viên APEC” đã đưa ra những con số khiến nhiều người phải giật mình. Trên 90% số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với quy mô lao động bình quân 10 - 200 lao động/doanh nghiệp; khối doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn có quy mô huy động vốn đạt gần 30 tỷ USD, sử dụng gần 3 triệu lao động, tạo 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, tương đương khoảng 1/4 tổng lao động cả nước nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 2%/năm so với mức 20 - 25%/năm của bình quân chung cả nước.

Trên thực tế, số doanh nghiệp tính trên đầu người ở khu vực nông thôn còn thấp, theo tính toán, cứ 57.000 người sống ở khu vực nông thôn mới có một doanh nghiệp nông nghiệp, trong khi tỷ lệ này trên cả nước là 700 người/doanh nghiệp. Hạn chế lớn nhất ảnh hưởng đến việc phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa là thiếu cơ hội đầu tư, kinh doanh; môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi hầu như không có hoặc nếu có cũng khó triển khai áp dụng. TS.Đặng Kim Sơn đánh giá, hệ thống doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn phát triển tương đối chậm, vốn đầu tư ít. Nguyên nhân là do hạ tầng ở nông thôn kém, điểm xuất phát thấp, các dịch vụ đều khó khăn khiến doanh nghiệp ngại đầu tư.

Phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn đều hoạt động rất "cò con". Hơn phân nửa số doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng, con số quá nhỏ bé so với doanh nghiệp các nước trên thế giới và so với nhu cầu thực tế. Thêm nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn lại sử dụng những công nghệ, thiết bị lạc hậu. Tỷ lệ đổi mới trang thiết bị chỉ đạt 5 - 7%/năm so với mức chung của thế giới là 20%. Ông Trần Thế Xường, Phó trưởng ban Đổi mới và quản lý doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định, hiện nay nhà xưởng chế biến và kho tàng cất giữ nông sản của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chế biến nông, lâm sản còn sơ sài, tạm bợ, số nhà xưởng kiên cố chỉ chiếm 30%. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn áp dụng công nghệ cũ, tỷ lệ cơ giới hoá chỉ chiếm trên 10%, số còn lại là sử dụng trang thiết bị thủ công, bán cơ giới, hầu như không có doanh nghiệp nào áp dụng các trang thiết bị tự động hoá.

Về "cú hích" cho doanh nghiệp nông thôn phát triển, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn là rất quan trọng. Bởi đây chính là nơi triển khai tất cả những chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi về đất đai, thuế cũng như hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Sự phát triển của các doanh nghiệp sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp, giúp người dân "ly nông bất ly hương". Ngay tại nông thôn, các nhà máy sơ chế có thể tạo cơ hội cho nông dân có việc làm. “Chính vì vậy, doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bởi hiện nay, phần lớn lao động của nước ta vẫn nằm ở nông nghiệp. Phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ giải quyết được việc làm và tăng thu nhập cho người dân” - TS. Sơn nhấn mạnh.

Với tất cả những thực trạng, nguy cơ mà khu vực nông nghiệp, nông thôn đang phải đối mặt, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề tam nông (nông nghiệp - nông thôn - nông dân) trên tất cả các mặt đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, giảm dần sự cách biệt quá lớn, sự bất bình đẳng hiện nay giữa nông thôn và thành thị. Duy trì một mức sống quá thấp đối với gần 70% dân số là làm triệt tiêu dần động lực của sự phát triển. Đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng 1 hạt thóc gánh 40 khoản phí. Theo đó, 4 vấn đề lớn đã được các nhà hoạch định chính sách đưa ra cho vấn đề tam nông, đó là: giảm bớt các khoản đóng góp cho người dân, bù ngân sách cho xã nghèo, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông qua miễn giảm phí sản xuất, cải thiện việc bồi hoàn đất nông nghiệp chuyển sang đất công nghiệp và đô thị. Thực tế triển khai tại một số địa phương cho thấy, nếu làm được những điều này, bức tranh nông nghiệp, nông thôn sẽ trở nên sáng sủa.

(nguồn:
http://kinhtenongthon.com.upload/images/vn/Story/VandeSukien)

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN