Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 1163
Lượt truy cập : 7702382
Cải thiện tình trạng ô nhiễm sông Đồng Nai: Vẫn rối rắm (04/04/2011)
Cải thiện tình trạng ô nhiễm sông Đồng Nai: Vẫn rối rắm

Ngày 29-1, tại TPHCM Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TPHCM tổ chức họp bàn về việc bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Lãnh đạo 12 tỉnh thành liên quan tham dự đều khẳng định việc bảo vệ con sông này trước nguy cơ chết vì ô nhiễm là việc làm sống còn. Thế nhưng, đáng tiếc là mọi biện pháp đưa ra nhằm thực hiện cho được lại rất mơ hồ. 

  • Sông Đồng Nai tiếp tục bị đầu độc 

Tại buổi họp, kết quả kiểm tra mới nhất vào cuối năm 2009 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tiếp tục cho thấy, chất lượng nước hệ thống sông Đồng Nai từ khu vực thượng lưu, trung và hạ lưu đều có dấu hiệu ô nhiễm. Trong đó, mức độ ô nhiễm nặng bắt đầu xuất hiện từ khu vực thác Cam Ly (Lâm Đồng) đổ về phía hạ nguồn cho đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều chỉ tiêu môi trường đã vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức đáng báo động. Trong đó, nghiêm trọng nhất là ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, kim loại nặng và dầu mỡ.

Mặt khác, rừng đầu nguồn, đất, chất lượng và trữ lượng nước, tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học… của lưu vực sông này cũng đang bị khai thác quá tải, không kiểm soát được. Nhiều khu vực, cảnh quan thiên nhiên đã bị tàn phá, bờ sông bị sạt lở, xói mòn và diễn biến ngày càng xấu hơn. 

Lý giải cho thực tế trên, ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường khẳng định, ô nhiễm nặng là bởi đây là vùng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị hóa mạnh nhất cả nước, chiếm gần 58% GDP công nghiệp của cả nước. Tốc độ này tăng 15%/năm. Trong 2 năm 2008 và 2009 dù bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế nhưng các tỉnh thành trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế trên 10%.

Mặt khác, đây là vùng có dân số khá đông (15 triệu người), chiếm 16% dân số cả nước. Trong đó, dân số đô thị chiếm trên 50% và có xu hướng ngày càng tăng. Những yếu tố này đã và đang gây áp lực lớn cho việc chịu tải chất thải ô nhiễm của sông. 

Đáng lo ngại hơn, hiện vẫn còn nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải hoặc có đầu tư nhưng vận hành chưa hiệu quả, chưa có hệ thống xử lý nước thải đô thị, chất thải rắn công nghiệp và nguy hại chưa được thu gom triệt để… Đơn cử từ năm 2007 đến nay, tại Bình Dương có đến gần 900 doanh nghiệp bị phát hiện và xử lý vì có hành vi vi phạm môi trường.

Tương tự, năm 2009, tại TPHCM vẫn còn hơn 200 doanh nghiệp, Bình Phước là 116 doanh nghiệp, Bình Thuận là 230 doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường… Riêng tại Đồng Nai vẫn còn 4 khu công nghiệp chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung… 

Thực tế, việc sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm đã được cảnh báo từ lâu. Chính vì vậy mà Ủy ban bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai được thành lập năm 2008. Thế nhưng, đáng tiếc sau 2 năm kể từ khi được thành lập, ủy ban chưa hoạt động thực sự hiệu quả.

Ông Bùi Cách Tuyến thừa nhận, ủy ban là tổ chức chỉ đạo liên ngành, liên vùng nên các quyết định đều dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Do đó, tính ràng buộc thực hiện giữa các tỉnh thành chưa cao; các thành viên ủy ban là cán bộ lãnh đạo của các bộ, ngành địa phương kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Hơn nữa, bản thân các bộ ngành, địa phương còn đang lúng túng trong việc triển khai các dự án do vướng cơ chế tài chính.

Cho đến nay, ngoại trừ tỉnh Long An, còn lại 11 tỉnh thành khác chưa thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án bảo vệ sông Đồng Nai. Kinh phí dành cho hoạt động của Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai chưa có… Quan trọng hơn, nhận thức của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất công nghiệp và cộng đồng dân cư tại các địa phương về việc bảo vệ sông này còn thấp. 

  • Dồn sức cho bảo vệ sông Đồng Nai 

Đó là khẳng định đồng thời cũng là yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với lãnh đạo 12 tỉnh thành.

Ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các địa phương trong lưu vực mà trước mắt là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh huy động mọi nguồn lực địa phương, trung ương hay ODA để từng bước xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị của địa phương mình. Cố gắng từ nay đến năm 2020 phải hoàn chỉnh; đầu tư hệ thống quan trắc, phân tích chất lượng môi trường; điều tra, thống kê kiểm soát các nguồn thải trên địa bàn thành phố, nhất là khu công nghiệp; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát quan trắc tự động các cửa xả khu chế xuất, khu công nghiệp; xử lý triệt để nước rỉ rác tại bãi chôn lấp rác.

Đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai nhấn mạnh, việc cấp bách trước mắt là Tổng cục Bảo vệ môi trường cần phối hợp 12 tỉnh thành thống kê toàn bộ cơ sở hạ tầng (khu công nghiệp, sân golf, tài nguyên rừng, tài nguyên nước); tăng cường giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, khu chế xuất, khu công nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm huy động tối đa nguồn lực của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường; trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường và các nguồn lực khác có thể cho hoạt động bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai.

Riêng những khó khăn do chưa có nguồn tài chính chi cho các hoạt động bảo vệ sông Đồng Nai, đồng chí Lê Hoàng Quân cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét có thể sử dụng linh động từ nhiều nguồn vốn như vốn vay ưu đãi từ quỹ bảo vệ môi trường, vốn doanh nghiệp, vốn ODA hoặc kinh phí thực hiện các dự án do bộ, cơ quan trung ương chủ trì thực hiện do ngân sách đảm bảo… 

nguồn:http://www.sggp.org.vn

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 16/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 15/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 14/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 13/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 12/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 11/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 10/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 09/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 08/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 07/04/2024 (16/04/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN