Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 969
Lượt truy cập : 7722241
Các Nhà Khao Học Góp Ý Về Đề Án Chống Ngập Cho TP.HCM Không khả thi! (02/04/2011)
Các Nhà Khao Học Góp Ý Về Đề Án Chống Ngập Cho TP.HCM Không khả thi!

“Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, không nên vội vàng triển khai dự án kiểm soát triều chống ngập cho TPHCM”. TS Lê Long, chuyên gia hàng đầu về cấp thoát nước, mở đầu bài phản biện khá ấn tượng tại hội thảo lấy ý kiến về đề án “Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập cho TPHCM” (gọi tắt là phương án kiểm soát triều chống ngập) tại Viện Kinh tế TPHCM, sáng 26-3.

Đây là phương án chống ngập được xem là “tầm cỡ quốc tế” nên không chỉ được nhiều nhà khoa học quan tâm mà còn thu hút sự chú ý của rất nhiều người dân TP (Báo NLĐ đã trích đăng một số ý kiến phản biện trong các số báo ra ngày 24 và 25-3).

Nước xa không cứu được lửa gần

Giải thích về sự ra đời của phương án kiểm soát triều chống ngập, giáo sư Nguyễn Sinh Huy, tổ trưởng tổ thực hiện đề án, cho biết trước vấn nạn ngập lụt của TPHCM, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo thành lập nhóm nghiên cứu tìm giải pháp chống ngập cho TP dựa trên ý tưởng xây công trình kiểm soát triều của TS Trịnh Công Vấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng thủy lợi II, thành viên tổ nghiên cứu. TS Trịnh Công Vấn lập tức đính chính: Đây không phải là ý tưởng của riêng tôi mà là của nhiều người và đã có từ nhiều năm trước. Theo TS Trịnh Công Vấn, lý do chọn phương án xây đê bao và cống để kiểm soát triều cường là do hệ thống thoát nước hiện tại của TPHCM không đủ năng lực nên dẫn đến ngập lụt. “Kiểm soát triều là vấn đề phải làm, nếu không thì 5-7 năm nữa sẽ không kiểm soát được tình trạng ngập ở Nam Sài Gòn”- TS Vấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thạc sĩ Hồ Long Phi, Phó Ban Điều phối chống ngập TP, cho rằng với phương án trên thì hiệu quả mang lại chỉ cho khu vực Nam Sài Gòn. Trong khi đó, đại bộ phận các vùng ngập nội thành của TP chỉ được cải thiện thông qua các dự án thoát nước mưa. Thế nhưng vấn đề kết nối giữa chống ngập mưa và triều cường chưa được đề cập trong đề án. Vậy khi các dự án chống ngập ở TP hoàn thành, ví dụ như dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè thì nước có thoát được hay không? Đề án đề ra một quy mô và tầm nhìn khá xa, tuy nhiên “nước xa không cứu được lửa gần”. TS Lê Long cũng cho rằng đề án còn thiếu các thông số cụ thể, không có sự so sánh kinh tế-kỹ thuật của các phương án thi công nên không thể biết đó là đúng hay sai. TS Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đề nghị nhất định phải đưa vấn đề thoát nước mưa vào đề án kiểm soát triều, nếu không, thì khi hoàn thành cũng chưa chắc giảm ngập cho TP.

Không dám nói sự thật là tai họa!

Hội thảo càng “nóng” lên với nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn. TS Ngô Hoàng Văn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, lập luận: “Hiện TPHCM đã có quy hoạch thoát nước đến năm 2020, do đó cũng nên nhắc lại có cần thiết phải bỏ ra một số tiền lớn để xây đê bao, cống kiểm soát triều. Nếu trong các năm tới, khi chúng ta hoàn thành quy hoạch thoát nước TP hết ngập thì dự án xây đê bao kiểm soát triều có lãng phí không?”. Ông nói tiếp: “Chúng ta xây dựng TP ngày càng mở rộng để cho ngàn năm chứ không phải vài chục năm nên phải tính toán thế nào để không phải xây đê... Rồi vấn đề về môi trường-tài nguyên nước, xây dựng ra sao, Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Xây dựng cũng phải có ý kiến. Có phải TP muốn trình Chính phủ thực hiện dự án này hay không? chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo phản biện để làm hết trách nhiệm của liên hiệp hội...”.

Dù không đăng ký phản biện nhưng thấy tình hình căng thẳng, nguyên thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Giới cũng lên tiếng: “Tôi xin đặt một số câu hỏi: Có khẳng định được chúng ta chống ngập ở vùng này thì các vùng lân cận có bị ngập không? Rồi rừng Cần Giờ sẽ sống được không?”. Ông Giới nhấn mạnh: “Nếu các nhà khoa học không dám nói sự thật, đến khi lãnh đạo kết luận dự án này thì hết sức tai họa”.

Hội thảo kéo dài từ 8 giờ đến 13 giờ nhưng chỉ đủ thời gian cho 12 nhà khoa học phản biện, đa số đều cho rằng đề án kiểm soát triều chưa khả thi, cần phải hoàn thiện thêm trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi ghi nhận những góp ý, giáo sư Nguyễn Sinh Huy cho biết sẽ dành thêm 3 tháng nữa để tiếp tục hoàn thiện đề án rồi mới báo cáo chính thức.

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC TPHCM, đại diện ban chủ trì hội thảo, cho biết sẽ tập hợp thêm ý kiến đóng góp của các nhà khoa học cũng như tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề này rồi mới trình UBND TP xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Phượng cũng đề nghị nhóm nghiên cứu đề án nên tính toán lại kinh phí, vì con số trên 7.000 tỉ đồng hoặc 11.000 tỉ đồng là chưa thực tế, nếu các vị lãnh đạo thấy rẻ mà phê duyệt thì khi thực hiện sẽ rất khó khăn.

Ngăn triều từ đâu?

Vấn đề làm đập ngăn triều từ sông Soài Rạp-Lòng Tàu (gọi là bao ngoài) và ngăn triều từ các cửa sông nội thành (gọi là bao trong) cũng được tranh luận quyết liệt tại hội thảo. Theo nhóm nghiên cứu, nếu làm bao ngoài sẽ không khả thi vì sông rộng nước sâu, thi công khó khăn, ảnh hưởng đến giao thông thủy. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng nên đưa ra hai bài toán cụ thể về kỹ thuật-kinh tế lẫn hiệu quả lên bàn cân để chọn lựa.




Nguồn: nld.com.vn

 

Tin tức khác
Dự báo thủy văn ngày 16/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 15/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 14/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 13/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 12/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 11/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 10/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 09/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 08/04/2024 (16/04/2024)
Dự báo thủy văn ngày 07/04/2024 (16/04/2024)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN