Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 835
Lượt truy cập : 7721629
Bí cách chống ngập rồi sao?! (12/03/2016)
Với đề xuất chi hơn 1.400 tỉ đồng để mua xe bơm lưu động ứng cứu các điểm ngập thường xuyên ở TP HCM, nhiều ý kiến cho rằng chỉ phát huy tác dụng cứu ngập chứ không giảm ngập

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) cho biết vừa đề xuất UBND TP dự án sử dụng xe bơm lưu động phục vụ chống ngập. Theo đó, nếu được phê duyệt, dự án sẽ triển khai từ nay đến năm 2019.
 
 30 tuyến đường được ứng cứu
Theo Trung tâm Chống ngập, mục đích của dự án nhằm không để các điểm ngập nặng xảy ra trong TP khi mưa lớn. Để làm được điều này, cần sử dụng xe bơm lưu động ứng cứu kịp thời cho các điểm gây ngập thường xuyên trong khi chờ các giải pháp lâu dài để giải quyết ngập úng cho toàn TP. Theo đó, trung tâm đề xuất mua 63 xe bơm thoát nước, gồm 28 xe công suất 20 m3/phút, 23 xe công suất 30 m3/phút và 12 xe công suất 60 m3/phút; đồng thời đầu tư một bãi để xe, một nhà điều hành. Tổng nguồn vốn ước tính khoảng hơn 1.400 tỉ đồng, từ ngân sách TP.


 Giải pháp sử dụng xe bơm lưu động hút nước đang được đề xuất nhằm giải quyết phần nào được tình trạng ngập ở TPHCM như thế này.
 
Lý giải vì sao đầu tư dự án này, lãnh đạo trung tâm cho biết vì xe bơm có tính lưu động cao do tất cả các thiết bị được đặt đồng bộ trên xe, gồm các bơm bằng hợp kim siêu nhẹ, có thể vận hành dễ dàng bằng tay. Ngoài ra, với công suất từ 20 m3/phút đến 60 m3/phút, các xe bơm có thể hút được lượng nước cho các điểm ngập với độ sâu và diện rộng khác nhau. Đó là chưa nói đến việc xe bơm có thể di chuyển nhanh trong giờ hành chính và người tham gia giao thông vẫn hoạt động bình thường khi có mưa, triều cường.
“Bơm hút nước để độ ngập giảm xuống dưới 8 cm, cho phép người đi đường và xe cộ đi lại vượt qua đoạn ngập một cách dễ dàng, dễ vận hành, bảo dưỡng” - đại diện Trung tâm Chống ngập nói. Khu vực dự kiến xả nước khi bơm để cứu ngập là kênh rạch, cống cấp II liên thông với các cửa rạch ra sông Sài Gòn. Trong trường hợp nếu chỉ mưa gây ngập thì dùng xe bơm nước ra cống cấp II hoặc kênh, rạch. Còn mưa kết hợp triều cường thì đóng các cửa cống ngăn triều, sau đó bơm vào cống cấp II, kênh, rạch, hồ chứa gần nhất.
Theo tính toán của Trung tâm Chống ngập, nếu dự án triển khai thì dự kiến có khoảng 336,3 ha ở khu vực phía Bắc và trung tâm TP sẽ hết ngập. Ngoài ra, có khoảng 30 tuyến đường sẽ được ứng cứu bằng xe chống ngập di động, tập trung nhiều ở địa bàn các quận: Bình Thạnh, 6, Tân Bình, Gò Vấp.
Tốn kém, không khả thi
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, giải pháp sử dụng xe bơm lưu động hút nước để chống ngập ở TP HCM không tác dụng bởi chỉ phát huy hiệu quả cứu ngập chứ không giảm ngập.

“Không phát huy tác dụng khi mưa lớn vì mưa lớn thì hút nước không kịp, mưa nhỏ thì không sử dụng đến” - ông Sanh nhấn mạnh và cho biết đó là chưa nói đến việc nếu gặp tổ hợp triều cường kết hợp mưa lớn thì càng khó vì không có hệ thống thu nước. Khi triều cường kết hợp mưa lớn diễn ra trong thời gian dài, nước ở kênh, rạch dâng cao thì xe có bơm ra nước cũng chảy vào lại.

“Hiện các trạm bơm cố định không phát huy tác dụng, trong khi về cơ bản xe bơm di động và trạm bơm cố định đều giống nhau. TP phải tính toán được tại sao các trạm bơm trước đây không hiệu quả trong khi nguồn vốn bỏ ra quá nhiều” - chuyên gia Phạm Sanh phân tích. Từ đó, ông Sanh cho rằng đây chỉ là cách “chữa cháy” chứ không phải giải pháp căn cơ. Cái cần là làm hệ thống cống để khơi thông dòng chảy, hạn chế ngăn dòng và lấn chiếm kênh, rạch để giải quyết ngập trước mắt.

Theo ông Sanh, giải quyết ngập không giống việc chống hạn, tiêu lũ nên xe bơm di động không tận dụng được triệt để, gây lãng phí. Nói về khoản tiền 1.400 tỉ đồng, ông Sanh cho rằng số tiền quá lớn so với việc đầu tư số xe bơm nước này mà không thấy được hiệu quả thì không nên. Nếu tốn kém mà giải quyết được ngập cho TP thì cũng “cắn răng” mà bỏ, còn mua rồi để đó thì thua.

Còn theo GS-TSKH Lê Huy Bá, dự án này quá tốn kém trong khi hiệu quả chưa biết được đến đâu, chỉ giải quyết được một số tình thế. “Việc mua xe tốn kém đã đành còn phải có từng ấy tài xế và một số người trên xe theo phụ, phức tạp và cồng kềnh lắm, khả năng thực hiện và phát huy tác dụng là rất khó” - ông Bá nhận định và nói thêm rằng việc đầu tư chống ngập cho TP trước nay vốn đã có nhiều dự án chưa hợp lý nên việc chống ngập sẽ còn gặp khó khăn.

Theo http://nld.com.vn
 
Tin tức khác
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 04) Tin phát lúc: 08h00 (09/10/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 4) (07/10/2023)
TIN CUỐI CÙNG VỀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI (26/09/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI KHẨN CẤP (Tin phát lúc: 08h00) (25/09/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 3) lúc 14 giờ (31/08/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 02) (27/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 11H00 NGÀY 18-7-2023 (18/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 05H NGÀY 17-7-2023 (17/07/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG (15/07/2023)
Ứng phó linh hoạt với thiên tai (28/05/2023)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN