Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 101
Lượt truy cập : 7719566
Tái cơ cấu nền nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu (07/09/2012)
Tái cơ cấu nền nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 6-9, tại Hà Nội, Hội nghị toàn cầu lần thứ 2 về Nông nghiệp, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu đã khai mạc phiên họp toàn thể cấp bộ trưởng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và có bài phát biểu quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nông nghiệp trong đó có sản xuất lương thực, giữ vị trí rất quan trọng với nhiều quốc gia, quyết định việc đảm bảo an ninh lương thực, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Vai trò của nông nghiệp càng được thực tiễn khẳng định khi vừa qua thế giới bị tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Trong nhiều thập niên qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế và nỗ lực của từng quốc gia, sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực, đảm bảo an ninh lương thực bền vững hơn.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ mối lo ngại về thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đe dọa sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Việc đảm bảo an ninh lương thực và giảm đói nghèo gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn, đặc biệt tại các nước đang phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi sản lượng lương thực sản xuất ra chỉ chiếm 50% trong khi dân số chiếm trên 60% thế giới, đây cũng là nơi chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng. Sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực còn phải đối mặt với sự gia tăng nhanh của dân số, đất nông nghiệp suy giảm cả diện tích và độ phì nhiêu, nguồn nước tưới ngày càng khan hiếm.

Trong khi việc đầu tư cho nông nghiệp giảm sút do khủng hoảng kinh tế, những rào cản về thương mại nông sản và thu nhập thấp làm hạn chế khả năng tiếp cận lương thực của người nghèo. Chưa kể, việc sử dụng lương thực cho mục đích khác, như cho sản xuất nhiên liệu sinh học ngày càng gia tăng. Vì vậy, Hội nghị toàn cầu lần thứ 2 về Nông nghiệp, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu chọn chủ đề "Khát khao hành động", tập trung thảo luận nhiều vấn đề thiết thực, xác định chiến lược "Phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường", thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp... là những hành động chiến lược kịp thời, đúng đắn.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, nông nghiệp đang giữ một vị trí rất quan trọng và luôn được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam cũng là nước thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Song nhiều năm qua, nhờ sự nỗ lực phát triển nông nghiệp toàn diện và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, vươn lên từ một nước thiếu lương thực thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới và còn xuất khẩu nhiều nông lâm thủy sản với khối lượng lớn, xếp vị trí cao trên thế giới.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, Việt Nam đề ra mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Trong bối cảnh được dự báo là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đe dọa sản xuất nông nghiệp, Việt Nam đang tích cực cơ cấu lại nền nông nghiệp. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm chủ tịch. Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng đặt ra đối với Việt Nam trong thời gian tới rất nặng nề.

Cùng với việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để thu hút nhiều nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, sản xuất lương thực hiệu quả, bền vững cũng chính là góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới, vì hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 1/5 sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và nhiều nông sản khác với khối lượng lớn, đặc biệt là cà phê, thủy sản.

theo:http://sggp.org.vn

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN