Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 165
Lượt truy cập : 7719110
Ẩn họa đê điều xuống cấp - Bài 1: Hậu quả buông lỏng quản lý (30/08/2012)
Ẩn họa đê điều xuống cấp - Bài 1: Hậu quả buông lỏng quản lý

Đê ở miền Bắc là những vành đai, thành lũy bảo vệ mùa màng, làng mạc nhưng hiện nay đang bị “xẻ thịt”, tàn phá, sạt lở nghiêm trọng. Trong khi đó, Bộ NN-PTNT thừa nhận do nhiều năm nay ở miền Bắc không có lũ nên hệ thống đê điều tiềm ẩn nhiều hiểm họa.

  • Băm nát mặt đê
Sông Hồng là một trong hai dòng chảy lớn ở miền Bắc, đi qua thủ đô Hà Nội. Vậy nhưng hiện nay, hệ thống đê bao dọc hai bên sông từ thượng nguồn tới hạ du, nhiều nơi đang bị xâm hại nặng nề, dù nhiều năm qua Nhà nước đã rót tiền tỷ để tôn đắp, trải bê tông, cứng hóa mặt và mái đê. Ở nhiều nơi, không chỉ người dân vô tư xẻ đường dân sinh dọc mái đê, san chân đê thành bãi tập kết vật liệu xây dựng và lâm sản, làm nhà cửa mà hệ thống xe quá tải trọng ngày đêm qua lại còn thi nhau cày nát mặt đê. 

Tại đoạn đê hữu sông Hồng qua địa phận các xã Chân Lý, Nhân Đạo, Nhân Thịnh, Phú Phúc với chiều dài hơn 10km thuộc huyện Lý Nhân (Hà Nam), mỗi ngày có gần trăm lượt xe tải lớn chạy qua. Sau một thời gian, lớp bê tông phủ mặt đê đã bị bong lên từng mảng, tạo ổ voi, ổ trâu đếm không xuể. Thậm chí nhiều đoạn đi xe ngang qua, cảm tưởng mặt bê tông rung lên dưới bánh xe. Theo UBND huyện Lý Nhân, đoạn đê sông Hồng qua đây có tổng chiều dài 27,3km đã được Nhà nước đầu tư cứng hóa mặt đê, tạo điều kiện cho bà con ở ven đê đi lại thuận tiện từ năm 2007. Nhưng mới chỉ được 5 năm, mặt đê đã bị xe tải băm nát.

Không riêng huyện Lý Nhân, nhiều đoạn đê sông Hồng qua các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh, Thanh Trì (Hà Nội) cũng đang chịu cảnh tương tự. Do hàng trăm lượt xe chở quá tải quần thảo, tại khu vực xã Liên Trung, huyện Đan Phượng (Hà Nội), mặt đê vỡ toác, vỡ vụn, có chỗ sụp lún. Chị Phùng Thị Hiểu, một người dân ở Liên Trung phản ánh: “Ngày nào xe chở vật liệu xây dựng cũng ầm ầm đi trên đê, toàn loại xe có tải trọng 15 - 20 tấn. Những chỗ bị xe đầm nát lâu ngày không được vá víu, tu sửa nên càng nhanh xuống cấp”.

  • Vô tư xâm lấn
Theo Chi cục Quản lý đê điều Hà Nội, nhiều năm qua đê hữu sông Hồng là nơi xảy ra nhiều điểm sạt lở nhất. Trong đó, kè Liên Trung là một trong những trọng điểm sạt lở nguy hiểm, nhiều lần phải đầu tư tiền của để khắc phục. Điều đáng nói là từ nhiều năm nay, bên cạnh vai trò ngăn lũ, các tuyến đê sông, đê biển ở miền Bắc còn được tận dụng làm đường giao thông. Tuy nhiên, do việc quản lý lỏng lẻo, không có lực lượng giám sát thường xuyên nên thả sức cho xe quá tải tung hoành. Không chỉ riêng đê sông Hồng mà hầu như các tuyến đê lớn nhỏ khác đều đang bị phương tiện cơ giới đe dọa.

Nhiều nơi xảy ra vi phạm theo kiểu dây chuyền, như ở sông Hồng, sông Lô… Bên dưới, nạn khai thác, hút trộm cát sỏi, đào đất làm lò gạch triền miên nhiều năm nay, tạo những ao đầm, hàm ếch nguy hiểm, nhiều nơi vẫn đang sạt lở. Chân đê bị san gạt để chứa cát sỏi, gạch ngói… Trên mặt đê, hàng trăm phương tiện quá tải thi nhau cày phá không thương tiếc.

Thậm chí ở nhiều nơi, không chỉ xe chở vật liệu xây dựng mà cả xe khách, xe du lịch cũng đi vòng vào đê bao ngăn lũ để... trốn CSGT. Dọc đê tả sông Hồng đoạn qua huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), sau khi trải thảm bê tông cứng hóa mặt đê, người dân sở tại đã cắm trụ, lập gác chắn xe quá tải. Nhưng cũng chỉ sau 1 tháng, trụ và trạm barrier bị xe tải húc tung.

  • Ngăn chặn xe quá tải

Hầu như các tuyến đê sông, đê biển hiện nay không có lực lượng CSGT chốt chặn, kiểm tra phương tiện. Tại các điếm canh đê cũng không có người trực gác, hầu như bỏ hoang, chỉ hoạt động mỗi khi có lũ. Vì vậy, nhiều nơi thả sức cho xe quá tải hoành hành. Nhiều đoạn đê không có biển cấm xe tải hoặc biển khống chế tải trọng. 

Bộ NN-PTNT cũng nhìn nhận, hiện nay tình trạng xe quá tải trọng đi trên các tuyến đê sông Hồng đang đe dọa nghiêm trọng tới “sức khỏe” hệ thống đê điều. Nhiều đoạn đê bị hư hỏng nặng, gây khó khăn cho công tác hộ đê, phòng chống lụt bão như đê hữu sông Hồng thuộc huyện Lý Nhân (Hà Nam) và đê tả sông Hồng khu vực hạ lưu cầu Thăng Long (Hà Nội)...

Mới đây, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng xe quá tải trọng đi trên đê. Địa phương cần điều tra, xác minh tổ chức, cá nhân vi phạm gây hư hỏng mặt đê, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả việc bồi hoàn về vật chất, đồng thời ngăn chặn việc tái vi phạm và vi phạm mới.

nguồn:http://sggp.org.vn

Tin tức khác
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 04) Tin phát lúc: 08h00 (09/10/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 4) (07/10/2023)
TIN CUỐI CÙNG VỀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI (26/09/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI KHẨN CẤP (Tin phát lúc: 08h00) (25/09/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 3) lúc 14 giờ (31/08/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 02) (27/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 11H00 NGÀY 18-7-2023 (18/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 05H NGÀY 17-7-2023 (17/07/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG (15/07/2023)
Ứng phó linh hoạt với thiên tai (28/05/2023)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN