Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 195
Lượt truy cập : 7719338
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp - Bài 1: Điệp khúc mất mùa được giá... (04/09/2013)
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp - Bài 1: Điệp khúc mất mùa được giá...

Trong bối cảnh lúa gạo tồn đọng lớn, giá cả sụt giảm mạnh, cuộc sống hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL gặp khó khăn, Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng nhiều chuyên gia xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở ĐBSCL là vấn đề rất cần thiết hiện nay.

Lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa

Từ 10 năm trước Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai đề tài trồng hoa màu thay lúa tại 3 huyện Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Tân Thạnh ở vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Theo đó, vụ lúa hè thu năm 2003 được thay thế bằng các loại hoa màu như: đậu nành, bí đỏ, khổ qua, đay, bắp, dưa hấu với hiệu quả kinh tế cao từ 1,3 đến 292,2% so với trồng lúa. Năm 2004, với 4 loại cây thay thế là bí đỏ, đay, bắp và dưa hấu cũng đạt hiệu quả cao hơn canh tác lúa từ 0,8 đến 182,9%. Sang năm 2005, với 3 loại cây thay thế là bắp, đay, dưa hấu, vẫn có hiệu quả cao hơn trồng lúa từ 8,5 đến 180%. Kết quả có thấy, trồng đay, dưa hấu, khổ qua luôn cho hiệu quả tốt nhất.

Đặc biệt, tại Vĩnh Long phong trào chuyển đổi cây trồng đang phát triển mạnh mẽ trên đất lúa, cho hiệu quả rất cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Nông dân Võ Văn Đăng, ấp Vĩnh Khánh, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn Vụ cho biết: “Vụ hè thu 2012 tôi chuyển 1ha đất lúa của gia đình sang trồng bắp nếp, bán được 45 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí, còn lãi 33 triệu đồng. Năm nay tôi tiếp tục trồng bắp thay cho lúa ở vụ hè thu và hiện đang rất trúng, cuối đầu tháng 9 này thu hoạch”. Trong khi đó, ông Võ Thanh Hòa, ấp Tân Hiệp, xã Tân Hạnh, Long Hồ trồng 1ha đậu nành vụ hè thu 2013 đạt năng suất 20 tấn, giá bán 16.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng. Đặc biệt, với diện tích 1ha đất lúa chuyển sang trồng khoai lang, vụ hè thu 2013, nông dân Ngô Ngọc Kết, ấp Thành An, xã Thành Đông, Bình Tân thu được 340 tạ. Ông Kết phấn khởi nói: “Năm nay khoai có giá, tôi bán được 650.000 đồng/tạ, trừ chi phí nhân công, giống, thuốc, phân bón… còn lãi 111 triệu đồng; gấp 10 lần trồng lúa”. Từ đầu năm đến nay, nông dân Vĩnh Long đã và đang chuyển đổi gần 9.000ha đất lúa sang trồng các loại rau màu. 

Với hiệu quả kinh tế khá cao, đa số nông dân cho rằng trồng hoa màu trong vụ hè thu lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Mặt khác trồng hoa màu sẽ mang lại nhiều lợi ích như: cắt đứt được nguồn sâu bệnh lây lan cho vụ sau, xác bả thực vật để lại giúp cải tạo đất, một lượng dinh dưỡng còn dư thừa để lại cho vụ sau, giúp giảm được một phần phân bón khi trồng lại lúa, góp phần tăng thu nhập trên diện tích đất trong một năm. Về lâu dài việc trồng cây hoa màu luân canh với lúa sẽ giúp hạn chế sự thoái hóa, bạc màu đất do sản xuất cây lúa liên tục, sử dụng phân vô cơ quá nhiều, từ đó hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Đầu ra sản phẩm: hên xui

Rõ ràng, hiệu quả mang lại từ việc chuyển đổi các loại cây trồng khác trên đất lúa trong thời gian qua khá cao. Tuy nhiên, đa số chỉ dừng lại ở cấp độ mô hình sản xuất, hoặc người dân tự chuyển đổi theo cách đơn lẻ, quy mô nhỏ, thiếu liên kết, không tập trung… Đặc biệt, hầu như tất cả đầu ra đều không ổn định, hoàn toàn lệ thuộc vào mùa vụ, thương lái, không có gì đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu cho nông dân. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, nhà nước, doanh nghiệp… còn rất mờ nhạt, khiến nông dân dù đã chuyển đổi nhưng luôn thấp thỏm lo âu, “may nhờ rủi chịu”. 

Đến các vùng chuyển đổi cây trồng nổi tiếng như Chợ Mới, An Phú (An Giang), Thanh Bình (Đồng Tháp), Bình Thủy (Cần Thơ), chúng tôi ghi nhận thực tế: Đầu ra sản phẩm, nông dân hoàn toàn “tự bơi”. Anh Đàm Thanh Hải (31 tuổi, ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết: “Gia đình tôi đã chuyển 3 công đất lúa sang trồng sen và bắp gần 2 năm nay, kết quả khá lắm. Khi sen và bắp tới vụ thu hoạch thì thương lái tự tìm đến mua, lúc nào cao điểm thu hoạch của người dân ở đây thì giá sụt giảm, còn khi hút hàng thì giá tăng cao”.

Đang thu hoạch vụ bắp lai trúng mùa nhưng ông Nguyễn Văn Hoàng, 51 tuổi, ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cùng nhiều nông dân nơi đây chẳng vui. Ông Hoàng cho biết: “Nói là nông dân trồng bắp, ớt, mè, đậu nành… hiệu quả cao hơn lúa nhưng cũng hên xui dữ lắm vì đến thời điểm này không có doanh nghiệp nào đứng ra hợp đồng bao tiêu để nông dân an tâm sản xuất. 

Cùng nỗi lo, ông Triệu Công Đỉnh, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Bình Thủy (TP Cần Thơ), nói: “Chúng tôi hiện có 11ha sản xuất rau màu và có thể mở rộng lên 30ha; khả năng cung ứng 800 - 1.000 tấn, 20 - 50 tấn sản phẩm. Tuy nhiên, đầu ra hiện rất bấp bênh nên không dám tập trung sản xuất lớn”.

Đến xã cù lao Tân Bình, nơi có diện tích trồng màu khá lớn của huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), với hơn 100ha, chủ yếu là bắp và ớt, ông Phạm Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình, cũng lo lắng như ở HTX rau an toàn Bình Thủy: “Việc trồng màu “năm này, năm khác” vì đầu ra không ổn định. Năm vừa rồi dân trồng ớt bị lỗ nặng nên năm nay chuyển sang trồng bắp nhiều vì lúc đó bắp có giá cao, lợi nhuận 2 - 3 lần trồng lúa. Rồi bây giờ tới lượt bắp rớt giá, nông dân lo lắm…”. 

Rõ ràng, từ thực tế của một nền nông nghiệp thường xuyên tái diễn kịch bản “mất mùa được giá, được mùa mất giá”, khiến nông dân cứ loay hoay trong vòng luẩn quẩn “trồng - chặt”, “chặt - trồng”, việc chuyển đổi này không hề đơn giản. Vấn đề mà ngành nông nghiệp và hầu hết nông dân băn khoăn đó là thị trường tiêu thụ nông sản khi thực hiện chủ trương mở rộng diện tích canh tác.

theo:http://sggp.org.vn

Tin tức khác
Hướng đến nông nghiệp sinh thái (17/07/2023)
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai (17/02/2023)
Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp (30/01/2023)
'Thủy lợi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đó' (09/09/2022)
Đảm bảo an ninh nguồn nước là tương lai của ngành nông nghiệp (12/08/2022)
Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (11/07/2022)
Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (07/05/2022)
Đất nông nghiệp đang suy giảm, ô nhiễm (21/12/2021)
Ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi (06/09/2021)
Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (21/06/2021)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN