Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 4367
Lượt truy cập : 7695266
Kết hợp nhiều giải pháp để chống ngập cho TPHCM (31/10/2013)
Kết hợp nhiều giải pháp để chống ngập cho TPHCM

Hơn 10 năm nay, TPHCM “tuyên chiến” với tình trạng ngập bằng hàng loạt biện pháp, giúp các khu vực trung tâm TP giảm ngập đáng kể. Tuy vậy ở khu vực vùng ven, tình trạng này chưa được cải thiện . PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Phó ban điều hành Chương trình chống ngập TPHCM về giải pháp cho vấn đề này.

 PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình trạng ngập ở TPHCM?

 PGS-TS HỒ LONG PHI: TPHCM vẫn ngập và thậm chí ngập nặng, đặc biệt trong đợt triều cao kết hợp mưa lớn xảy ra vừa qua. Tuy nhiên, phải khách quan nhìn nhận, những khu vực ngập này chủ yếu ở các quận ven như quận 2, quận 8, quận 9, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức... Khu vực các quận nội thành như quận 1, quận 3, Phú Nhuận… tình trạng ngập đã được cải thiện rõ rệt. Từ con số hàng trăm điểm ngập vào năm 2007, đến nay đã giảm xuống còn chưa đến 20. Các khu vực như đường Cô Bắc, Cô Giang (quận 1), Trần Hưng Đạo (quận 5), Ngô Tất Tố (Bình Thạnh), bùng binh Cây Gõ, Bến xe Chợ Lớn (quận 6)… cách nay vài năm còn ngập, nay gần như đã giảm ngập đáng kể. Đó là kết quả của cả một quá trình chống ngập gần 10 năm của TPHCM.

Khu vực quận 1, quận 3, Phú Nhuận… hết ngập là do TPHCM đã hoàn tất hàng loạt các dự án cải thiện môi trường lớn ở lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé… Khu vực Bến xe Chợ Lớn, bùng binh Cây Gõ, khu vực công viên Phú Thọ giảm ngập là do TP đã cải tạo hệ thống thoát nước trong dự án đại lộ Đông Tây và Hàng Bàng… Trong các điểm ngập hiện nay của TP có một số điểm do dòng chảy của nước tạm thời bị bít lại nhằm phục vụ công tác thi công công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Trong mùa mưa tới, khi công trình này thi công xong, đường thoát nước được khơi thông, tình trạng ngập chắc chắn sẽ được cải thiện.

Những điểm còn ngập còn lại nằm rải rác ở các khu vực mới phát triển như quận 12, Thủ Đức, quận 7, quận 9… Vướng mắc chính trong xử lý là TPHCM chưa có kinh phí bởi chi phí để chống ngập không phải là hàng trăm tỷ đồng mà là hàng chục ngàn tỷ đồng. Một số điểm ngập nặng khác nằm trong các vũng thấp trũng của TP như khu vực Bến Phú Định (quận 8), khu vực ven sông Sài Gòn (quận 7, quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè)… đòi hỏi phải đầu tư rất lớn mới kiểm soát được nước triều.

- Nhưng dù ngập ở khu vực trung tâm hay khu vực ven thì tình trạng ngập như hiện nay vẫn là tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân TPHCM?

Đúng vậy. Chính vì vậy, TPHCM đang xúc tiến tìm nguồn kinh phí cho công tác chống ngập. TP đang làm việc với Ngân hàng Thế giới để tìm kiếm nguồn kinh phí đầu tư chống ngập cho khu vực thuộc lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên bao gồm quận 12, Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh, Tân Bình, huyện Bình Chánh… Ước tính kinh phí chống ngập, cải thiện môi trường cho khu vực này khoảng 1 tỷ USD. Hiện nay, TPHCM đã nạo vét một phần Rạch Nước Lên và khoản vay của Ngân hàng Thế giới sẽ làm hệ thống cống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải… Theo Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị TPHCM đến năm 2025, khu vực trung tâm TP lên đến 850km2 trong tổng diện tích khoảng 2.050km2 của toàn TP. Phần diện tích đã cơ bản hoàn thành công tác chống ngập (khu trung tâm) mới chiếm khoảng 20% diện tích mà TP cần có giải pháp chống ngập. Điều này có nghĩa, để chống ngập, TPHCM còn rất nhiều việc phải làm.

- Như vậy, khoảng bao lâu nữa thì TPHCM có thể hết ngập?  

Căn cứ vào những công trình chống ngập đã làm, chúng ta có thể tính ra thời gian này. TPHCM đã mất khoảng 10 năm để chống ngập cho khu vực trung tâm TP và phải khoảng 20 năm nữa mới cơ bản hoàn tất công tác chống ngập cho toàn TP. Nếu có những yếu tố thuận lợi hơn như nguồn tài chính được thu xếp sớm, có nhiều công nghệ mới trong thi công… Đặc biệt, nếu công tác quản lý đô thị được cải thiện, không làm phát sinh các điểm ngập mới hoặc làm trầm trọng hơn các điểm ngập hiện tại thì thời gian này có thể được rút ngắn. Tuy nhiên, TPHCM cũng không phải chống ngập cho toàn TP mà nên ưu tiên cho những khu vực mới đô thị hóa như quận 12, một phần quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 9, quận 7… Những khu vực còn lại chỉ cần tập trung công tác quản lý phát triển đô thị thật tốt bởi nếu để đô thị phát triển tràn lan, không theo quy hoạch thì cái giá phải trả sẽ rất lớn.

- Dường như ông đánh giá rất cao các giải pháp, công trình mà TP đã làm, trong khi đó như chính ông từng nói, biến đổi khí hậu là không thể lường và TPHCM là một trong những TP bị ảnh hưởng nặng nề nhất…

Giải pháp kỹ thuật rất quan trọng và phải đi trước một bước trong công tác chống ngập. Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật chỉ giải quyết cho một phần của hiện tại. Cống thoát nước cũ, quá tải, không thoát nước được thì khi thay được cống mới, mọi vấn đề sẽ được giải quyết ngay. Thế nhưng, hạn chế của các giải pháp kỹ thuật là những giới hạn về năng lực. Ví dụ, để tính tiết diện của cống thoát nước, theo quy định hiện hành, các kỹ sư sẽ tính toán trên cơ sở số liệu mưa và triều của các năm trước, trong khi đó chúng ta đang phải đối phó với tính bất định cao của tương lai. Chính vì vậy, các giải pháp “mềm” cần được triển khai thực hiện song song với các giải pháp kỹ thuật. Giải pháp “mềm” chủ yếu là các vấn đề về quản lý đô thị. Dành không gian hợp lý cho nước bằng cách xây dựng các hồ điều tiết nước, vận động người dân xây bể chứa nước mưa ở nhà, hạn chế bê tông hóa để nước mưa thẩm thấu xuống đất thay vì chảy tràn, gây ngập…

Ngoài ra, nên nhớ rằng công trình chống ngập không thể giúp ứng phó với các biến cố cực đoan như mưa bão, lũ lớn ở thượng nguồn… Về nguyên tắc thì sẽ không bao giờ vĩnh viễn hết ngập, do đó cần phải luôn luôn chú ý đến các biện pháp để giảm nhẹ thiệt hại chứ không chỉ là giảm ngập. Nếu ưu điểm của giải pháp công trình (đặc biệt đê bao) là thực hiện đơn giản và nhanh chóng thì nhược điểm của chúng lại là dễ nuôi dưỡng cảm giác về sự an toàn và gián tiếp khuyến khích sự phát triển quá mức ở những khu vực thấp trũng. Bài học rút ra từ vụ Bangkok (Thái Lan) bị ngập là một ví dụ khá rõ. Từ năm 1995, Bangkok đã hoàn tất xây dựng hệ thống đê bao, cống ngăn triều, hồ điều tiết. Sau hàng chục năm không bị ngập, sự phát triển công nghiệp và dân cư đã diễn ra hầu như trên toàn bộ vùng đất trũng thấp chung quanh Bangkok để rồi vào năm 2011, chỉ cần một biến cố vượt năng lực bảo vệ của công trình thì Bangkok đã bị ngập và “giá” phải trả là thiệt hại lên đến gần 50 tỷ USD.

Dành không gian cho nước

Nhiều đô thị ở châu Á đã áp dụng thành công các giải pháp “mềm” trong chống ngập. Để chia tải cho hệ thống cống thoát nước, người ta bố trí dưới mặt đường những kết cấu rỗng thấm nước. Những kết cấu này đủ cứng để ô tô du lịch hay xe tải nhỏ có thể đi được. Một phần nước mưa sẽ được lưu giữ lại ở các kết cấu rỗng này và khi hệ thống cống đã thoát được hết nước mưa (hoặc một phần), lượng nước trong phần thể tích rỗng này sẽ thoát dần ra cống. Đây là giải pháp có thể áp dụng để tạo ra không gian điều tiết cho nước tại những khu vực đã phát triển mà không còn cơ hội để làm hồ. Ở Nhật Bản, người ta làm rất tốt công tác vận động người dân xây bể chứa nước ở nhà.

TPHCM có thể học hỏi tất cả các kinh nghiệm này và nếu có thể hỗ trợ cho người dân một phần kinh phí xây bể chứa nước mưa giống như đã tặng cho người dân 1 triệu đồng khi họ lắp máy nước nóng mặt trời nhằm tiết kiệm điện. Nhà đầu tư, khi xây dựng đô thị mới, phải dành không gian cho nước như hạn chế bê tông hóa, làm hồ điều tiết.. Nhà nước nên thể chế hóa các quy định này đối với nhà đầu tư. Nhà nước cũng nên rà soát, những khu vực thấp trũng, dân cư còn thưa thớt…, có kế hoạch giữ đất để làm hồ điều tiết. Làm hồ điều tiết ở các khu vực thấp không những giúp thu nước, giảm ngập cho các khu vực khác mà còn giúp TP không phải tốn chi phí chống ngập tại đây.

Hiện nay không chỉ ở TPHCM, tiến trình đô thị hóa làm mất không gian dành cho nước mà ở nhiều khu vực gần cửa biển nằm trên địa bàn các tỉnh Long An, Tiền Giang… người dân đã tự bao đê để nuôi trồng thủy sản. Do vậy, nước triều từ biển dâng lên, không còn chỗ chảy tràn, đã tiến thẳng vào khu vực sông, kênh trong đất liền.

Để chống ngập do lũ phải tính đến việc dành cả ngàn hécta cho… nước. Nếu lũ rất lớn từ thượng nguồn về, hệ thống đê bao sông Sài Gòn hiện nay chắc chắn không chống đỡ được. Cách hay nhất là tính trước các hướng đưa nước trữ tạm vào các khu vực thấp trũng, gần sông, tránh trường hợp nước đổ thẳng về trung tâm TP. (Nguồn: Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu)


theo:http://www.sggp.org.vn
Tin tức khác
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 04) Tin phát lúc: 08h00 (09/10/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 4) (07/10/2023)
TIN CUỐI CÙNG VỀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI (26/09/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI KHẨN CẤP (Tin phát lúc: 08h00) (25/09/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 3) lúc 14 giờ (31/08/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 02) (27/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 11H00 NGÀY 18-7-2023 (18/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 05H NGÀY 17-7-2023 (17/07/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG (15/07/2023)
Ứng phó linh hoạt với thiên tai (28/05/2023)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN