Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 936
Lượt truy cập : 7722097
Hồ điều tiết nước - Giải pháp cho cấp và thoát nước (30/08/2012)
Hồ điều tiết nước - Giải pháp cho cấp và thoát nước

Cách nay hơn 10 năm, bốn từ “hồ điều tiết nước” đã được nhắc tới trong quy hoạch thoát nước mưa TPHCM như là một trong những giải pháp hữu hiệu để ứng phó với tình hình ngập, lụt ở TP. Trong quy hoạch cấp nước của TPHCM vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, “hồ điều tiết nước” cũng được nhắc tới như là giải pháp cứu nguy trong tình huống nguồn cung cấp nước sạch cho TP là nước sông Đồng Nai và Sài Gòn bị ô nhiễm.

Nhiều khu vực đã giảm ngập nhờ hồ điều tiết

Nhìn lại toàn bộ công tác chống ngập ở TPHCM hơn 10 năm qua, ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc chuyên trách công tác cấp thoát nước của Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết: Ít nhất 3 khu vực ở TPHCM đã được giảm ngập rõ rệt nhờ có hồ điều tiết nước. Khu vực thứ nhất ở đường 3-2, quận 10. Nơi đây từng là một trong những điểm ngập nặng nhất TP do hệ thống cống thoát nước quá nhỏ.

Thế nhưng, từ khi “trưng dụng” hồ Kỳ Hòa nằm gần đó làm hồ trữ nước tạm thời cho khu vực đường 3-2 và cho dẫn nước vào đây mỗi khi có mưa lớn tình trạng ngập giảm hẳn. Thứ hai, khu vực Đầm Sen quận 11. TP cũng sử dụng hồ nước trong khu vui chơi này làm hồ chứa nước tạm thời để làm giảm lượng nước chảy tràn ra đường, phố. Thứ ba, khu vòng xoay Phú Lâm quận 6. Một hồ trong khu vực cũng được dùng như túi “đựng nước” để chống ngập.

Hiện nay, 3 khu vực đều đã được lắp đặt hệ thống cống thoát nước mới, lớn hơn hệ thống cũ nên cả 3 hồ đều đã được chuyển sang làm nhiệm vụ khác. Thế nhưng như chính ông Trần Thế Kỷ nhận định: Hồ điều tiết vẫn là một trong những giải pháp chống ngập hữu hiệu cho TP. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày một gay gắt, các cơn mưa lớn ngày càng nhiều và hệ thống cống thoát nước có nguy cơ sớm trở nên lạc hậu so với sự biến đổi của thời tiết.

Cũng theo ông Trần Thế Kỷ, không phải ngẫu nhiên, dù phần lớn hệ thống cống thoát nước  trong khu vực nội thành của TPHCM đã được xây dựng mới, lớn hơn hệ thống cũ, khả năng thoát nước tốt hơn rất nhiều so với trước, nhưng Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM vẫn đang nghiên cứu và đề xuất thành phố xây dựng hồ điều tiết nước ở khu vực Gò Dưa, quận Thủ Đức. Khu vực này nằm ven sông Sài Gòn, địa thế thấp là một trong những khu vực đang bị ngập nặng nề nhất thành phố.

Hồ Dầu Tiếng và Trị An chống xâm nhập mặn

Từ nhiều năm nay, Tổng Công ty Cấp nước TPHCM (Sawaco) - đơn vị cung cấp tới hơn 80% nguồn nước sạch cho TPHCM đã có một hợp đồng hợp tác, hỗ trợ làm việc với Ban quản lý hồ Dầu Tiếng.

Theo hợp đồng này, mỗi khi sông Sài Gòn - nguồn cung cấp nước chính cho Nhà máy nước Tân Hiệp bị nước mặn xâm nhập sâu, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp thì Ban quản lý hồ Dầu Tiếng sẽ xả nước ngọt để đẩy nước mặn ra xa, cứu nguy nguồn nước của Tân Hiệp. Sawaco cho biết, trung bình mỗi năm, vào mùa nắng, thường Sawaco phải nhờ hồ Dầu Tiếng xả nước 5, 7 lần hoặc hơn nếu năm đó nắng gay gắt. Chi phí mỗi lần xả nước sẽ do Sawaco thanh toán.

Để dự phòng tình huống nước mặn xâm nhập sâu vào sông Đồng Nai, ảnh hưởng đến nguồn nước thô cung cấp cho Nhà máy nước Thủ Đức, hồ Trị An đã chuẩn bị khả năng xả nước ngọt, đẩy nước mặn, bảo vệ nguồn nước cho Thủ Đức. Điều này không những có trong kế hoạch của ngành cấp nước TPHCM mà còn được xác định rất rõ ràng trong quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt.

Theo quy hoạch này, sông Đồng Nai, với sự điều tiết nước của hồ Trị An sẽ cung cấp khoảng 2,5 triệu m³ nước/ngày, đêm cho TPHCM. Sawaco cho biết, đến thời điểm hiện nay Nhà máy nước Thủ Đức do nằm sâu trong sông Đồng Nai, nước mặn ít khi xâm nhập tới nên hầu như chưa phải nhờ nhiều đến sự điều tiết nước của hồ Trị An. Tuy nhiên, Sawaco không coi nhẹ vai trò điều tiết nước của hồ Trị An.

Vai trò điều tiết nước của hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An và cả hồ Phước Hòa nằm trên sông Sài Gòn không chỉ xả nước ngọt, đẩy nước mặn, quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2025 còn tính đến khả năng xây dựng một tuyến ống dẫn nước từ các hồ trên về các nhà máy nước trong tình huống nước sông Sài Gòn và Đồng Nai ô nhiễm, nhiễm mặn nghiêm trọng.

Trong giới chuyên môn, hiện đang có những ý kiến hết sức khác nhau về việc xây dựng tuyến ống cấp nước này vì quy mô quá lớn của dự án và tính hiệu quả về mặt tài chính của nó. Song đây là một trong những giải pháp được tính đến trong quá trình bảo vệ an toàn nguồn nước cấp cho TPHCM.

nguồn:http://sggp.org.upload/images/vn/

Tin tức khác
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 04) Tin phát lúc: 08h00 (09/10/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 4) (07/10/2023)
TIN CUỐI CÙNG VỀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI (26/09/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI KHẨN CẤP (Tin phát lúc: 08h00) (25/09/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 3) lúc 14 giờ (31/08/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 02) (27/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 11H00 NGÀY 18-7-2023 (18/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 05H NGÀY 17-7-2023 (17/07/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG (15/07/2023)
Ứng phó linh hoạt với thiên tai (28/05/2023)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN