Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 91
Lượt truy cập : 7719949
Công tác chống ngập ở TPHCM cần giải pháp thích hợp, lâu dài (22/10/2012)
Công tác chống ngập ở TPHCM cần giải pháp thích hợp, lâu dài

Ngày 17-10, nhiều hộ dân ngụ gần rạch Xuyên Tâm trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thạnh, TPHCM) đã khốn đốn với cảnh nước ngập. Nước không ngập từ ngoài đường vào như trước đây mà tràn lên từ phía sau nhà. Tình trạng ngập nặng cũng xảy ra ở khu vực đường Phạm Thế Hiển, Bến Bình Đông (quận 8), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Kha Vạn Cân (Thủ Đức)… Mãi đến hôm 19-10, dù mực nước triều đã giảm nhưng nhiều nơi vẫn còn bị ngập.

Chưa kết nối đồng bộ trong tiêu thoát nước

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước (thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, gọi tắt là Trung tâm Chống ngập), để trả lời câu hỏi vì sao đầu tư lớn chống ngập mà vẫn ngập, cần nhìn toàn cảnh bức tranh chống ngập toàn TP. Năm 2001, TPHCM đã được phê duyệt dự án nâng cấp hệ thống cống với chiều dài 6.500km. Lúc này, vấn đề chống triều chưa được đặt ra vì mức triều còn thấp. Tiếp đó đến năm 2008, Chính phủ đã ra Quyết định 1549 thông qua quy hoạch chống ngập tại TPHCM, theo đó sẽ làm tuyến đê bao khép kín để khống chế triều từ Bến Súc (Tây Ninh) chạy về Kênh Lộ (Long An) qua Rạch Tra (quận 12).

Về nâng cấp tuyến cống, TP đã cải tạo được 2.100km nên đến nay, khi mưa lớn, mức ngập tại các điểm ngập triền miên trước đây đã giảm rõ rệt, như khu Tân Định (quận 1) và các tuyến đường 3 Tháng 2 (quận 10), Minh Phụng, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu (quận 6), Ông Ích Khiêm (quận 11), Lũy Bán Bích (quận Tân Phú)…

Về chống triều, TP đã làm 9 cống kiểm soát để bơm ra khi triều lớn, tiêu biểu là cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè có công suất 48m³/giây là cống có công suất bơm lớn thứ hai trong cả nước.

Nhiều công trình chống ngập đã thực hiện nhưng vì sao vẫn ngập? Trả lời câu hỏi này, ông Long cho rằng vẫn còn nhiều dự án đang và sẽ triển khai nên chưa thể kết nối đồng bộ trong việc tiêu thoát nước. Điển hình như tuyến cống đường Ngô Quyền (từ đường 3 Tháng 2 ra đại lộ Đông Tây), dài 2km, đã thi công hơn 2 năm nhưng vẫn còn ngập do chưa thông được cửa xả, vẫn còn đang làm vệ sinh lòng cống để bàn giao, vận hành. Hay như khu vực Tân Hóa - Lò Gốm, tuyến cống chính đã thông nhưng phần kênh chưa xong (mới khởi công đầu năm nay) nên các trục đường Hòa Bình, Đồng Đen… vẫn bị ngập. Khu vực đường Nguyễn Xí - Nơ Trang Long, ngập do chưa hoàn tất công trình thoát nước.

“Muốn chống ngập căn cơ, phải hoàn tất các dự án còn lại, kết nối đồng bộ giữa phần cống và kênh, thực hiện theo phân kỳ” - ông Long nói.

Như vậy, sẽ còn phải cải tạo hơn 4.000km cống, hoàn tất mạng lưới kênh thì những con đường như Huỳnh Tấn Phát, Lương Định Của, Kinh Dương Vương, Lê Đức Thọ… mới mong thoát cảnh ngập nước. Theo số liệu của Trung tâm Chống ngập, toàn TP hiện còn 31 điểm ngập, từ nay đến cuối năm sẽ chỉ còn 21 điểm và đến năm 2015 mới hoàn tất việc chống ngập.

Còn nhiều việc phải lo

Qua số liệu thống kê mức nước triều tại TPHCM hơn 100 năm qua, đỉnh triều ngày 17-10-2012 với mức 1,6m tại trạm Phú An được xem là đỉnh triều “lịch sử” ngoài dự báo. Tuy nhiên, dư luận vẫn thắc mắc: Vì sao đã có cống kiểm soát triều mà vẫn ngập?

Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm Chống ngập, phân trần: Đỉnh triều cao quá, bơm đầu này thì tràn qua đầu kia, chưa kể ngập còn do triều leo bờ, như đường Ngô Tất Tố (Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Hào (quận 4)…

Ông Đỗ Tấn Long cho biết dự báo trong thời gian tới đây có khả năng mức triều sẽ còn cao hơn. Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân triều cao do TP san lấp kênh rạch quá nhiều. Tuy nhiên, ông Công cho rằng “chưa thể kết luận điều gì” và Trung tâm Chống ngập đang kết hợp với Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) cùng Hiệp hội Thủy lực thế giới nghiên cứu và đến cuối năm nay mới đưa ra được bản báo cáo chính thức trình UBND TP xem xét và làm cơ sở bổ sung quy hoạch chống ngập của TP.

Theo ông Công, “nước không có chỗ chứa thì phải ngập”, nên giải pháp trước mắt tăng thêm các hồ điều tiết và mở rộng các rạch lớn trong TP. Được biết, Trung tâm Chống ngập đã trình TP một dự án quy hoạch các hồ điều tiết, theo đó, sẽ ban hành những quy chuẩn mới về cấp phép xây dựng để tạo cho TP một không gian mới trong điều tiết nước.

Rõ ràng tình hình mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu đang là một thách đố đối với những nỗ lực chống ngập của TP. Nếu không khẩn trương nghiên cứu và có những biện pháp xử lý thích hợp, lâu dài, thì việc đầu tư chống ngập của TP sẽ không thể mang lại hiệu quả căn cơ được.

  • Ông Đỗ Tấn Long
"Đỉnh triều và những cơn mưa trong tuần qua không làm phát sinh các điểm tái ngập. Tuy nhiên, đã có xuất hiện những điểm chớm ngập, tập trung ở các khu vực vùng ven như quận 7, Củ Chi, Thủ Đức, Nhà Bè… do xây cất lấn chiếm làm cản dòng chảy. Trung tâm Chống ngập đã kết hợp với chính quyền những nơi nói trên xử lý các điểm gây nghẽn, đồng thời làm thêm các cửa xả. Nói chung, tình hình còn trong vòng kiểm soát, nhưng nếu không làm tích cực thì sẽ ngập"


theo:http://sggp.org.vn
Tin tức khác
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 04) Tin phát lúc: 08h00 (09/10/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 4) (07/10/2023)
TIN CUỐI CÙNG VỀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI (26/09/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI KHẨN CẤP (Tin phát lúc: 08h00) (25/09/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 3) lúc 14 giờ (31/08/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 02) (27/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 11H00 NGÀY 18-7-2023 (18/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 05H NGÀY 17-7-2023 (17/07/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG (15/07/2023)
Ứng phó linh hoạt với thiên tai (28/05/2023)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN