Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm - Dịch vụ Dự án Tin tức Tin nội bộ Hoạt động Đảng- Đoàn thể Thư viện ảnh - Bản đồ Liên hệ
GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung
Sơ đồ tổ chức
Thành tích đạt được
Tìm kiếm
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
THỐNG KÊ
Online : 5315
Lượt truy cập : 7698291
Ứng phó với mưa lũ (27/09/2012)
Ứng phó với mưa lũ

Mưa lớn nhiều ngày qua do thời tiết chuyển xấu cộng với triều cường dâng cao đã gây ngập úng các trà lúa thu đông ở nhiều tỉnh ĐBSCL như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Hậu Giang. Còn tại miền Trung, các địa phương vùng rốn lũ cũng đang gấp rút thu hoạch hoa màu, chuẩn bị các phương án di dân, khi cần thiết.

  • ĐBSCL nỗ lực cứu lúa ngập

Tại Bạc Liêu, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 13.500ha lúa bị ngập úng, tập trung ở các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân. Huyện Vĩnh Lợi có 4.676ha lúa thu đông bị ngập úng và hơn 760 ha lúa chết trắng. Ông Nguyễn Hoàng Hương (ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng) trồng 1,5ha lúa thu đông. Sau khi cải tạo đồng ruộng, ông Hương bơm nước vào sạ lúa, nhưng mới 3 ngày thì trời mưa, nước ngập cả bờ ruộng. Cả cánh đồng ngập chìm trong nước. Chỉ trong 3 ngày, ông Hương mất trắng 8 triệu đồng tiền lúa giống, phân bón, tiền xới trục đất… Để khắc phục việc ngập úng lúa thu đông ở các khu vực nằm ngoài đê bao, ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Trung tâm khai thác công trình thủy lợi xổ nước ở các cống. Đặc biệt là cống Giá Rai, Hộ Phòng, Láng Trâm tiêu nước ra nhưng không lấy nước mặn vào. Các cống vùng ngọt từ cống Láng Tròn (huyện Giá Rai) đến Đông Nàng Rền và 9 cống trong dự án phân ranh mặn ngọt (Bộ NN-PTNT vừa bàn giao) cũng đồng loạt mở ra một chiều để tiêu thoát lượng nước dư thừa.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có hơn 31.000 ha lúa ở vùng sản xuất U Minh Thượng bị ngập úng do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng trên vùng sản xuất này chưa được xây dựng đồng bộ, nên việc tiêu thoát nước cứu lúa gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi, nông dân phải tự gia cố bờ bao, bơm tát nước để cứu lúa nhằm giảm thiểu những thiệt hại do bị úng ngập. Tại Sóc Trăng, Hậu Giang, những ngày qua mưa lớn cũng đã khiến hàng trăm hécta lúa thu đông bị thiệt hại. Trong đó, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) có toàn bộ diện tích lúa thu đông mới gieo sạ được 5 đến 15 ngày (khoảng 110 ha) bị thiệt hại.

Trong một tháng gần đây, vùng biển Cà Mau liên tục có sóng to, gió lớn gây sạt lở hơn 10km bờ biển. Trong đó, đoạn bờ biển Đá Bạc - Lung Ranh - Cái Cám dài 1.460m và đoạn bờ biển Hương Mai - Vàm Giáo Bảy - Gành Hào dài khoảng 700m đã trở thành điểm nóng sạt lở, có nơi đất lở sâu, nguy hại đến thân đê. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến đời sống, mùa màng sản xuất của hàng ngàn hộ dân cư ngụ ven tuyến đê biển Đông và Tây.

  • Miền Trung sẵn sàng trước mùa mưa lũ

Gấp rút thu hoạch rau màu, tôm cá hay đưa lương thực, giống cây trồng lên cao là công việc ưu tiên hàng đầu của người dân vùng “rốn lũ” Thừa Thiên - Huế trước mùa mưa bão.

Gia đình bà Lê Thị Luyện ở thôn Phú Lương A, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền cũng như hàng ngàn hộ dân khác tại vùng rốn lũ Thừa Thiên - Huế đang tất bật, lo toan trước khi lũ lớn ập về. Gia đình bà Luyện vừa thu hoạch xong 10 sào lúa vụ hè thu được mùa với năng suất 3,5 tấn. Vậy mà bà Luyện vẫn âu lo vì mùa mưa lũ năm trước, do chủ quan, thiếu cảnh giác nên hơn 1 tấn lúa của gia đình bà phút chốc đã bị hỏng do ngập lụt. Cũng thời điểm, các quầy hàng tạp hóa trên địa bàn huyện Quảng Điền tất bật người mua, kẻ bán. Người dân tranh thủ mua sắm vật dụng sửa chữa, giằng chống nhà cửa, mua lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm dự trữ. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN-PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Quảng Điền cho biết, do nằm cuối hạ lưu sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu nên hơn 50% các xã và thị trấn của địa phương được xác định là “vùng rốn lũ”. Để sẵn sàng ứng cứu cho người dân khi bị mưa lũ cô lập nhiều ngày, UBND huyện chuẩn bị dự trữ 60 tấn gạo, 10 ngàn gói mì ăn liền 1.000 lít dầu hỏa, 1.000 lít xăng...

Tính đến ngày 26-9, Sở Công thương Thừa Thiên - Huế đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn dự trữ 300 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 100.000 lít dầu ăn, 100 tấn thịt tươi sống, 50 tấn thực phẩm chế biến, 250.000 tập sách giáo khoa, 70.000 tập vở học sinh.

Trong một cuộc họp mới đây, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu cần phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nâng cấp đê biển, đê sông, xử lý sạt lở bờ sông, các khu neo đậu tránh bão và các tuyến đường giao thông trọng điểm đảm bảo an toàn. Các đơn vị, ngành trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng 55.000 thùng mì gói, 420 tấn gạo, lương khô, 2.700 thùng nước uống, gần 200.000 lít xăng dầu, dầu hỏa, 200.000 bao bì, 3.000 tấm lợp, các loại hàng hóa khác… Sở Tài chính cân đối nguồn vốn dự phòng 10 tỷ đồng phục vụ cho công tác cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp.

Ngày 26-9 UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, lực lượng bộ đội địa phương và công an sẽ túc trực, ứng cứu người dân trên 5 tuyến sông chính khi lũ lên to, các loại tàu thuyền cứu hộ, cứu nạn của 7 huyện, thành phố được huy động tối đa để tìm kiếm cứu nạn, giúp dân. Tự bản thân hàng chục ngàn hộ dân đã có phương án đối phó mưa lũ năm 2012 như tự đóng mới hàng ngàn thuyền độc mộc, làm mới hàng trăm nhà bè, nâng cao nền nhà, đóng hàng trăm gác lửng như các làng mạc của người dân dọc sông Gianh để chạy lụt.

theo:http://sggp.org.vn

Tin tức khác
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 04) Tin phát lúc: 08h00 (09/10/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 4) (07/10/2023)
TIN CUỐI CÙNG VỀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI (26/09/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI KHẨN CẤP (Tin phát lúc: 08h00) (25/09/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 3) lúc 14 giờ (31/08/2023)
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (Cơn bão số 02) (27/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 11H00 NGÀY 18-7-2023 (18/07/2023)
TIN BÃO KHẨN CẤP (CƠN BÃO SỐ 1) LÚC 05H NGÀY 17-7-2023 (17/07/2023)
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI TRÊN BIỂN ĐÔNG (15/07/2023)
Ứng phó linh hoạt với thiên tai (28/05/2023)
Bản quyền thuộc Công ty TNHH MTV Quản Lý Khai Thác Dịch Vụ Thủy Lợi TP.HCM
Địa chỉ: Số 21 - quốc lộ 22 - ấp Trạm Bơm - Xã Tân Phú Trung - huyện Củ Chi - TP.HCM , Tel: 028 38922258 , Email: imchcmc@tphcm.gov.vn
Designed & Developed by EMSVN